Người tiên phong khởi nghiệp đưa than củi Việt Nam vào thị trường Nhật Bản

(VOV5) - Nguyên liệu doanh nghiệp anh Lại Văn Hiệp sử dụng chủ yếu là cây bạch đàn thuộc nhóm ngành năng lượng tái tạo bền vững, thân thiện với môi trường và góp phần giảm phát thải khí CO2.

Anh Lại Văn Hiệp, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại nguồn lực Biển Đông, là người tiên phong trong nghiên cứu, khởi nghiệp sản xuất và xuất khẩu than trắng cao cấp sang thị trường Nhật Bản. Sản phẩm than sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, mang thương hiệu KyoBin, được Hiệp hội doanh nghiệp Than củi Nhật Bản tín nhiệm về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Người tiên phong khởi nghiệp đưa than củi Việt Nam vào thị trường Nhật Bản - ảnh 1Anh Lại Văn Hiệp mang than củi Việt đi giới thiệu với các đối tác Nhật Bản - Ảnh: Ngọc Anh
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Anh Lại Văn Hiệp (sinh năm 1988) là du học sinh đầu tiên của Việt Nam lựa chọn ngành lâm nghiệp tại Trường Đại học quốc lập Utsunomiya thuộc tỉnh Tochigi của Nhật Bản để theo học. Sau nhiều năm học tập, sinh sống tại Nhật Bản, anh nhận thấy nhu cầu sử dụng than củi trong các nhà hàng của Nhật Bản là rất lớn. Luôn đau đáu làm ra một sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, anh Lại Văn Hiệp đã nhận thấy cơ hội lớn khởi nghiệp với than củi. Năm 2015, anh quyết định thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Nguồn lực Biển Đông, chuyên khai thác và thu gom than cứng.

Anh Lại Văn Hiệp nhớ lại: "Thời kỳ đầu, khách hàng Nhật Bản đánh giá rất cao than trắng cây bạch đàn của Việt Nam. Nhưng lại phát sinh vấn đề là việc ổn định nguồn nguyên liệu, tôi đã tìm khắp cả nước tìm nguồn nguyên liệu cây bạch đàn để đặt nhà máy sản xuất. Thời điểm đó ở Việt Nam chưa có dữ liệu thống kê chính xác hoặc nếu có dữ liệu thì bị nhầm lẫn giữa cây bạch đàn với cây tràm. Vì thế, tôi đã mất 4 năm để xây dựng 5 nhà máy ở Nghệ An, Trà Vinh, Long An, Bình Định và Bình Thuận. Một thương hiệu muốn có chỗ đứng trên thị trường thì phải có 2 yêu cầu, một là chất lượng sản phẩm, thứ hai là chất lượng cách vận hành của doanh nghiệp đó cũng như tư duy của người đứng đầu".

Nguyên liệu doanh nghiệp anh Lại Văn Hiệp sử dụng chủ yếu là cây bạch đàn thuộc nhóm ngành năng lượng tái tạo bền vững, thân thiện với môi trường và góp phần giảm phát thải khí CO2. Những mẻ than ra lò, anh tập hợp thêm các mẫu than có chất lượng tốt nhất từ các doanh nghiệp cùng ngành trong nước mang đi chào hàng ở Nhật Bản. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên đã khiến doanh nghiệp Nhật Bản hứng thú và bất ngờ với chất lượng than của Việt Nam. Lập tức, một đoàn gồm 8 doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm quan nhà xưởng, quy trình sản xuất than tại Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác đầu tiên. Anh Hiệp kêu gọi gần 40 doanh nghiệp sản xuất than trong nước thành lập Hiệp hội Than củi Việt Nam, cùng tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng than của các doanh nghiệp trong Hiệp hội để tiến sâu hơn vào thị trường Nhật Bản. Xưởng sản xuất than ở tỉnh Bình Thuận đã đáp ứng được trữ lượng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm đầu ra để duy trì và mở rộng sản xuất. Đến nay, xưởng đã có 100 lao động; sản lượng sản xuất đạt 2.000 tấn than trắng/năm, 1.300 tấn than đen/năm.

Người tiên phong khởi nghiệp đưa than củi Việt Nam vào thị trường Nhật Bản - ảnh 2Anh Lại Văn Hiệp, người ngoài cùng bên phải trong một buổi giao lưu người tốt việc tốt ở Hà Nội - Ảnh: Ngọc Anh

Anh Lại Văn Hiệp bộc bạch: "Nguồn nguyên liệu dùng 5 năm không khó, 10 năm khó một chút nhưng để một doanh nghiệp có thể sản xuất kéo dài hơn 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa thì việc ổn định sản xuất, nhất là trong lĩnh vực trồng rừng là bài toán lớn. Có làm được thì phải là doanh nghiệp lớn. Sau 7 năm, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại nguồn lực Biển Đông đã có thương hiệu kể cả trong nước hay xuất khẩu, luôn ở top đầu. Ở trong nước, Công ty của tôi đang là số 1 và trong lĩnh vực nguồn nguyên liệu than củi bạch đàn, Công ty đang là số 1 thế giới. Mục tiêu hướng tới là trở thành công ty sản xuất than củi số 1 thế giới".

Ngay khi tiếp cận được thị trường Nhật Bản, anh Lại Văn Hiệp nhanh chóng thâm nhập vào các kênh bán lẻ, siêu thị. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, liên kết sản xuất và cung cầu bị gián đoạn, hàng loạt doanh nghiệp rời bỏ thị trường, nhưng đây lại chính là cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp anh Hiệp. Anh Man Trần Hoàng, Giám đốc Maketting Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại nguồn lực Biển Đông, cho biết: "Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng nổ, nhu cầu ăn uống tại nhà cũng như sử dụng dịch vụ ăn uống tại gia của mọi người lại gia tăng. Cho nên lượng than xuất khẩu của Công ty, không những được duy trì, mà còn tăng đáng kể. Bên cạnh đó, Công ty cũng tạo thêm việc làm cho lao động, lượng công nhân tăng 20%, mức lương cũng tăng. Anh Hiệp cũng đã tiếp cận các thị trường mới, như: Australia, Malaysia, Mỹ".

Hiện, sản phẩm than củi của doanh nghiệp anh Lại Văn Hiệp đã tiến sâu vào thị trường Nhật Bản, đồng thời tiếp cận thành công một số thị trường mới ở nước ngoài. Anh Hiệp cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp sản xuất trong nước, thậm chí là doanh nghiệp của Lào tham gia vào thị trường than củi có yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản. Trong tương lai gần, sản phẩm than Việt Nam thân thiện với môi trường, do chính doanh nghiệp Việt Nam làm ra, sẽ được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác