Những ngày lịch sử tháng 12/1972, cùng với quân và dân cả nước quyết tâm đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của quân đội Mỹ hòng phá hoại thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc, Đài TNVN đã kiên cường giữ sóng, vượt qua mưa bom bao đạn, đưa tiếng nói Việt Nam, tiếng nói của chính nghĩa và khát vọng hòa bình đến với công chúng và bạn bè quốc tế. Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, mời quý thính giả cùng nhìn lại những nỗ lực quả cảm phi thường quyết giữ sóng, giữ tiếng nói Việt Nam của tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ Đài TNVN trong những ngày lịch sử đặc biệt của dân tộc cách đây tròn 50 năm.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với toan tính giành thắng lợi về quân sự để đạt lợi thế trên bàn đàm phán Paris (Pháp), cuối năm 1972, đế quốc Mỹ quyết định mở cuộc tập kích hàng không chiến lược đánh phá thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Trong cuộc tập kích mang mật danh “Chiến dịch Linebacker II” đó, từ ngày 18-29/12/1972, máy bay ném bom chiến lược B-52 của quân đội Hoa Kỳ đã đánh phá nhiều mục tiêu, cơ sở quan trọng tại thủ đô Hà Nội, trong đó có đài phát sóng Mễ Trì của Đài TNVN. Mục tiêu của kẻ địch rất rõ ràng. Đó là cùng với phá hủy cơ sở hạ tầng trọng yếu của Hà Nội và các địa phương miền Bắc, còn khiến cho tiếng nói Việt Nam, tiếng nói tự hào và thiêng liêng của người Việt Nam trên làn sóng phát thanh của Đài TNVN, không thể tiếp tục vang lên.
Hệ thống anten Đài Phát sóng-Phát thanh Mễ Trì trong những năm chiến tranh.
Ảnh tư liệu: VOV |
Thế nhưng, toan tính và âm mưu ấy đã thất bại hoàn toàn. Cùng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân cả nước, Đài TNVN đã kiên cường vượt “mưa bom, bão đạn”, duy trì làn sóng phát thanh, đưa tiếng nói Việt Nam, tiếng nói của công lý, chính nghĩa và khát vọng hòa bình đến với thế giới. Ông Susanto (tên Việt Nam là Lê Văn Thọ), Chuyên gia người Indonesia tại Ban Đối ngoại, gắn bó với Đài TNVN từ năm 1971, nhớ lại:
“Ngày 16/12/1972, Đài cho cán bộ nhân viên đi sơ tán về Quốc Oai, trong đó có gia đình tôi. Ngày 18/12, Mỹ bắt đầu ném bom. Khi đấy, tôi làm việc với phòng tiếng Indonesia, dịch bài, dịch tin, dịch thời sự. Những bài dịch sau khi hoàn thành được đem về Hà Nội để đọc, phát trên sóng. Lúc đó, nhân sự phòng Indonesia chia làm 2, có 2 người ở lại Hà Nội để đọc, số còn lại đi sơ tán, làm việc tại nơi sơ tán. Tôi còn nhớ ngày đó trên bầu trời Hà Nội nhiều máy bay. Suốt đêm, trời Hà Nội sáng như bắn pháo hoa. Lúc đấy, làm việc trong điều kiện khó khăn nhưng ai cũng cố gắng vượt qua. Khi nghe tin đài Mễ Trì bị ném bom, công việc tại Ban Đối ngoại vẫn diễn ra bình thường, không dừng lại”.
Không sợ hãi, không lùi bước trước bom đạn kẻ thù, quyết giữ cho bằng được tiếng nói Việt Nam trên sóng phát thanh trong mọi tình hướng, đó chính là quyết tâm, là sứ mệnh cao cả và thiêng liêng đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ…
Đài TNVN. Bà Kiều Oanh, phát thanh viên, phóng viên Đài TNVN, nhớ lại: “Tôi vào tổ đọc (phát thanh) của Đài TNVN từ năm 1964. Những ngày máy bay B-52 ném bom Hà Nội, tôi và phát thanh viên Tuyết Mai là một cặp (kíp) đọc. Dù là trưa nắng hay là đêm khuya, bất kỳ khi nào có còi báo động vang lên thì chúng tôi không hề tránh xuống hầm, mà tiếp tục mải miết đạp xe đến Đài để kịp thu chương trình”.
Còn ông Đặng Trung Hiếu, nguyên cán bộ Kỹ thuật Đài TNVN, cho biết: “Hệ thống kỹ thuật của Đài được xác định phải hết sức tuyệt mật để đảm bảo an toàn. Bởi vậy, mặc dù máy bay B-52 của địch ném bom rải thảm vào Hà Nội và đài phát sóng Mễ Trì đã bị trúng bom, thế nhưng nhân dân Thủ đô sáng hôm sau vẫn nghe sóng 297m một cách bình thường, Đó là cả một kế hoạch chu đáo mà Đài TNVN đã chuẩn bị để thay thế cho các đài phát sóng bị phá hủy, đảm bảo rằng Tiếng nói Việt Nam không bị ngưng sóng trong bất cứ tình huống nào”.
Sóng 297m (tần số 1010 Khz) mà ông Hiếu nhắc đến chính là một trong 5 tần sóng (297m, 31m, 41m, 49m và 63m) mà Đài TNVN phát sóng sáng ngày 19/12/1972, trước thời điểm bom B-52 phá hủy đài phát sóng Mễ Trì và dẫn đến sự cố mất sóng 9 phút (từ lúc 05 giờ 05 phút sáng 19/12/1972). Thế nhưng, với sự chuẩn bị kỹ càng cùng quyết tâm giữ cho bằng được làn sóng phát thanh tiếng nói Việt Nam trong mọi tình huồng, chỉ 9 phút sau khi sóng 297m bị ngưng, tiếng nói Việt Nam đã lại kiêu hãnh cất lên, dõng dạc, hào sảng, làm nức lòng quân và dân cả nước, bạn bè quốc tế.
Trong bài ký năm 2012 nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, cũng là tròn 40 năm xảy ra sự cố sóng Đài TNVN bị ngưng sóng 9 phút lịch sử đó, Nhà báo Vĩnh Trà (Trần Đức Nuôi), nguyên Trưởng Ban Thư ký Biên tập, một trong những nhân chứng lịch sử của nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt của đất nước và Đài TNVN, viết: Sau 9 phút ấy, Bộ Biên tập Đài TNVN liên tục nhận được điện, thư từ chiến trường miền Nam gửi ra, kiều bào gửi về, bạn bè năm châu gửi đến chia sẻ, ngợi ca. Trong đó, cộng đồng thính giả nghe Đài TNVN tại Nhật Bản đã quyên góp được 5 triệu Yen để giúp Đài TNVN xây dựng lại trạm phát sóng bị phá hủy.
Còn trong hồi ký thấm đẫm tình yêu thương, bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết: “Sáng ngày 19/12, tôi đang theo dõi buổi phát thanh của Đài, bỗng thấy Đài ngừng tiếng nói. Tôi cảm thấy tim mình như ngừng đập, lòng xao xuyến hướng về Thủ đô… Tôi lo lắm… Chúng đánh đài phát thanh rồi. Không biết Hà Nội ra sao? Ta có bảo vệ được Thủ đô Hà Nội hay không? Nhưng đúng 9 phút sau, Tiếng nói Việt Nam lại cất lên dõng dạc, đàng hoàng, làm tôi mừng khôn xiết…”.
Hôm nay, vẫn vẹn nguyên cảm giác tự hào, niềm xúc động ấy, Nhà báo Vĩnh Trà khẳng định: “Hơn 50 năm nhìn lại mới thấy được tầm nhìn của các vị lãnh đạo Đài TNVN cùng với Chính phủ, Bộ Quốc phòng trong chuẩn bị đối phó với tình huống chiến tranh. Nhà báo Trần Lâm, Tổng biên tập của Đài đã chuẩn bị được một phương án sẵn sàng cho Đài TNVN trong thời chiến. Sự chuẩn bị đó được thực hiện trên 3 phương diện. Một là chuẩn bị về các đài phát sóng nhiều vòng, nhiều lớp phối hợp với nhau để không bao giờ mất sóng trong mọi tình huống. Hai là chuẩn bị lực lượng về con người để ứng phó với vấn đề đó. Và thứ ba là tạo ra được những nội dung, chương trình phát thanh theo hướng đưa TNVN nhanh nhất, vang xa nhất, chất lượng nhất để phản ánh kịp thời cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta ở cả Việt Nam và ra khắp thế giới”.
Giữ cho tiếng nói Việt Nam luôn vang vọng chính là hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đài TNVN từ thời kỳ chống thực dân Pháp rằng: Đài TNVN phải giữ cho bằng được tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân liên tục trong mọi tình huống. Nỗ lực kiên cường giữ sóng Đài TNVN trong những ngày lịch sử tháng 12/1972 đã góp phần cùng quân và dân cả nước đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của quân đội Hoa Kỳ năm 1972, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.