(VOV5) - Bà cũng hy vọng nếu ai có khả năng sẽ mở rộng mô hình này đến những địa điểm khác để có nhiều người được giúp đỡ, tạo niềm tin giúp họ vượt qua khó khăn.
Câu chuyện thương tâm về một bạn trẻ chạy Grab có cuộc sống quá khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã khiến bà Nguyễn Thị Thành, chủ quán Ngan trên phố Tây Sơn, thành phố Hà Nội cảm thấy day dứt. Sau một đêm suy nghĩ, bà quyết định lấy tiền của mình, để mua gạo giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong 3 tháng liền. Việc làm nhân ái của bà Thành đã lan tỏa tới nhiều người cùng chung tay giúp đỡ những người yếu thế, mất việc làm, không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hơn 1 tuần nay, cứ vào khoảng 5 giờ chiều, tại Quán ngan 277-279 phố Tây Sơn, Hà Nội, hàng chục người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh lại xếp hàng nhận 10 kg gạo, 10 khẩu trang và 100 nghìn đồng từ bà chủ quán Nguyễn Thị Thành: “Tôi rất là vui, không biết nói gì. Trong lúc dịch bệnh như thế này thì những nhà hảo tâm có điều kiện giúp đỡ bà con nhân dân trong phường, chúng tôi rất cảm ơn những gia đình, cá nhân có lòng hảo tâm, chia sẻ đến những người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Các doanh nghiệp cũng như cá nhân làm ăn rất khó khăn mà có được nhà hảo tâm, có thể nói như tự rút ruột, đúng là rút ruột ra để giúp cho nhân dân. Đây là một điều trân trọng và rất là đáng quý, chúng tôi rất biết ơn, tình người của chúng ta ở Việt Nam mình phải nói được sự chia sẻ rất tuyệt vời”
Người dân ngồi giãn cách, đeo khẩu trang chờ phát quà. |
Bà Nguyễn Thị Thành chia sẻ, sau khi nghe câu chuyện thương tâm về anh tài xế xe công nghệ, bà trằn trọc, suy nghĩ cả đêm. Hôm sau, bà quyết định phát gạo, tặng tiền cho những người không có thu nhập để góp phần giúp họ trang trải, có chút chi tiêu trong 1 tháng trong mùa dịch. Bà công khai số điện thoại lên trang Facebook cá nhân để nhiều người biết đến và nhận hỗ trợ. Bài đăng nhanh chóng nhận được hơn 31.000 lượt tương tác và 15.000 lượt chia sẻ:
“Tôi dự định mỗi một tháng sẽ làm từ khoảng 45 đến 50 triệu đồng và sẽ làm trong 3 tháng. Thế nhưng không ngờ khi đăng bài lên thì sự lan tỏa lại lớn quá. Mỗi một ngày phải có đến hàng nghìn tin nhắn và cuộc điện thoại để xin hỗ trợ. Ngoài 50 suất như dự tính thì cuộc điện nào cũng nói rất khó khăn. Hai vợ chồng, hai đứa con bị nghỉ việc 2 tuần rồi, gia đình không có nổi gạo trong nhà, con thì khát sữa. Có những bạn trẻ đi thuê nhà không có nổi tiền trả tiền nhà, tiền điện”. Bà Thành nói,
Chị Nguyễn Thị Thành (áo xanh bên trái) chuẩn bị phát quà cho người nghèo. |
Nhận những cuộc gọi xin được hỗ trợ, là những trường hợp rất khó khăn, đa số họ là những tài xế xe ôm, mẹ đơn thân hoặc những người đang phải chữa bệnh… rất cần sự giúp đỡ. Không chỉ giúp gạo ăn, sau 22 giờ hàng ngày, bà Thành còn tặng họ những bát bún ngan đầy đặn, nóng hổi, đỡ khi đói lòng.
“Tôi quyết định là lại làm dài hơi ra, nhưng mà tôi giảm bớt tiền dự định làm các phần quà. Lúc đầu là 20 kg gạo và 500 nghìn, về sau tôi quyết định xuống 20 kg gạo và 200 nghìn và sau vẫn đông nên tôi quyết định hỗ trợ 10 kg và 200 nghìn và bây giờ thì chỉ còn 10 kg thôi để nhiều người hơn nữa được nhận quà của mình để không bị đói”
Việc làm ý nghĩa đầy nhân ái của bà Thành đã lan tỏa đến nhiều người có tấm lòng hảo tâm cùng đóng góp, tham gia trực tiếp phát quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Chị Kim Huyền Sâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Nét Việt chia sẻ: “Để chia sẻ với mọi người thì bao giờ chị em chúng tôi cũng làm từ A đến Z để quà đến được đúng người. Như bà chủ quán ngan ở đây, tất cả đồ ăn thức uống đều ưu tiên cho những người khó khăn. Làm từ thiện thì có nhiều những để làm trực tiếp đến những hoàn cảnh khó khăn thực sự họ nhận được quà khi cấp bách và nhận được tình yêu thương, điều quan trọng là giá trị thật đến được với con người”
Người lao động nghèo nhận gạo từ chị Nguyễn Thị Thành. |
Cảm kích trước việc làm nhân văn của bà chủ quán Ngan, chị Phan Ngọc Lan, quê Tuyên Quang, đang trọ tại phố Pháo Đài Láng, dù không có việc làm 2 tháng qua nhưng vẫn trực tiếp mang 300 nghìn đồng đến gửi bà Nguyễn Thị Thành với mong muốn góp một chút thực phẩm giúp đỡ người kém may mắn hơn mình:
“Thực sự em thấy người ta tốt quá, cũng nghĩ ngợi nhiều, mình chẳng làm được gì cả nhưng ít ra cũng còn chút ít tiền tiết kiệm. Đọc thông tin và xem thấy có nhiều người họ khóc quá, họ không có nổi tiền mua thức ăn, thực sự em rất thương. Em thấy cô Thành thực sự tốt quá, em không có nhiều nhưng có một chút tấm lòng nhờ cô gửi đến mọi người. Đây mới chính là lúc mọi người cần giúp đỡ nhất”
Nghĩa cử cao đẹp của bà Thành đã lan tỏa đến nhiều người, với mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau. Chị Nguyễn Hương Ngọc, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa chia sẻ: “Chúng tôi rất nghi nhận nghĩa cử cao đẹp của chị Thành. Nhờ có nghĩa cử cao đẹp của chị Thành mà chúng tôi cũng đã hướng tới những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ các hội viên trong giai đoạn khó khăn chung của cả nước như thế này. Các cô, các chị mà không có khả năng lao động, gia đình khó khăn do dịch bệnh, không đi làm được, gia đình cận nghèo, trẻ em khuyết tật thì chúng tôi cũng hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình một phần nào đấy để vượt qua khó khăn”
Nhà hảo tâm đóng góp và tham gia phát quà cho người nghèo cùng chị Nguyễn Thi Thành. |
Trong khi dịch Covid còn diễn biến phức tạp, cuộc sống nhiều người lao động còn nhiều khó khăn, nhất là những lao động ngoại tỉnh, bà Nguyễn Thị Thành mong muốn, sẽ có thêm nhiều người cùng chị lan tỏa những việc làm ý nghĩa này: “Những lúc như thế này, không những mong mình có thật nhiều tiền và mong có thật nhiều những bạn trẻ hoặc những người mà có kinh tế vững vàng cùng mình chung tay làm các chương trình như thế này để tạm thời giúp đỡ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, trước tiên là có cái ăn để cho ấm bụng đã. Làm việc thiện, đương nhiên chúng lúc dịch dã như này thì càng cứu được nhiều người càng tốt”.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, dù cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid còn gian nan nhưng bà Thành tin tưởng: tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, sự quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua đại dịch để người nghèo không rơi vào cảnh quá khó khăn. Bà cũng hy vọng nếu ai có khả năng sẽ mở rộng mô hình này đến những địa điểm khác để có nhiều người được giúp đỡ, tạo niềm tin giúp họ vượt qua khó khăn.