(VOV5) - Hàng trăm người bạn Pháp đã tham gia các cuộc mít tinh, vận động ủng hộ việc làm của bà Trần Tố Nga.
Hôm nay (10/08), kỷ niệm 63 năm ngày thảm họa da cam Việt Nam (10/08/1961- 10/08/2024). Hơn 60 năm qua, cùng với người dân Việt Nam, nhiều bạn bè quốc tế đã có những hoạt động ý nghĩa, hỗ trợ, đồng hành cùng các nạn nhân da cam/dioxin, giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Tình nguyện viên đến thăm các em tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn |
Nghe âm thanh tại đây:
Đây là không khí vui nhộn trong giờ giải lao của các em nhỏ tại Làng Hữu nghị Việt Nam (gọi tắt là Làng), nơi đang chăm sóc hàng trăm cựu chiến binh và nạn nhân da cam/dioxin. Các em rất thích thú và hào hứng nhảy, vận động, cùng hát với những bạn trẻ người nước ngoài đang làm tình nguyện tại Làng. Ngôi làng đặc biệt này là nơi thường xuyên đón các đoàn khách quốc tế từ nhiều quốc gia đến thăm, tặng quà, tìm hiểu về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đến các nạn nhân Việt Nam; và cũng là điểm đến được nhiều tình nguyện viên nước ngoài quan tâm. Bạn Maelle Leroux, tình nguyện viên người Pháp, chia sẻ: “Tôi làm công việc chăm sóc trẻ em và ban đầu tôi không biết mình sẽ được đến đây. Nhưng khi nghe về Làng Hữu nghị, tôi đã quyết định đến Làng. Tôi cảm thấy rất thích nơi đây, vì vậy, tôi đã ở đây để chăm sóc các em. Đây cũng là điều mà tôi mong muốn được làm cho các em, Điều đó thật tuyệt vời”.
Và bạn Isobel Burns, tình nguyện viên người Anh, cho biết: “Tôi quyết định làm công tác tình nguyện ở đây vì sắp tới, tôi theo học đại học chuyên ngành chăm sóc trẻ em. Cuộc chiến tại Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến các em nhỏ, điều này thực sự khiến tôi thấy quan tâm. Tôi thích được chơi với các em, vì vậy, tôi thực sự rất vui khi được giúp các em nhỏ ở đây”.
Không chỉ tại Làng Hữu nghị, nhiều năm qua, các trung tâm bảo trợ và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm, đồng hành của bè bạn quốc tế, các cá nhân, nhà hảo tâm, nhà hoạt động xã hội nước ngoài, trong đó có nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam … Nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập cộng đồng, dạy nghề, tạo việc làm, phát triển sinh kế cho nạn nhân đã được triển khai có hiệu quả.
Sự giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam không chỉ từ các cá nhận, tổ chức nước ngoài mà còn từ các Chính phủ. Hồi tháng 5 năm ngoái, Hạ viện Liên bang Bỉ đã thông qua Nghị quyết kêu gọi hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với 100% phiếu ủng hộ. Đây là lần đầu tiên trên thế giới một Nghị viện nước ngoài thông qua nghị quyết hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.
Nghị sĩ André Flahaut, người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Hạ viện Bỉ thông qua Nghị quyết này, cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ tới một văn kiện xác định trách nhiệm, đặc biệt trong đó nhấn mạnh chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam đã gây ra những hậu quả kéo dài tới tận ngày nay và vẫn tiếp tục có thêm các nạn nhân. Cùng với đó, mục tiêu của chúng tôi là phải thúc đẩy một văn kiện nhận được sự đồng thuận cao. Quả thực, lúc đầu tôi không nghĩ là văn kiện lại được sự ủng hộ cao như vậy, của tất cả các nghị sĩ và toàn bộ chính phủ. Việc thông qua văn kiện đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, cần phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân. Chúng ta cần phải tiếp tục quan tâm và hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong hành trình này. Ngoài ra, chúng ta cũng phải làm mọi thứ có thể để làm sạch vùng đất bị ô nhiễm một cách bền vững. Chúng ta cần làm cho phía Mỹ hiểu rằng họ có thể làm nhiều hơn và tốt hơn cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Bỉ thông qua Nghị quyết về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ảnh: baoquocte.vn |
Bạn bè quốc tế cùng thể hiện sự ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thông qua hành động đấu tranh đòi lại công lý cho các nạn nhân. Nhiều người đã đồng hành trong vụ bà Trần Tố Nga (Việt kiều Pháp) chống lại các công ty sản xuất hoặc tiếp thị chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
2 luật sư Pháp là Bertrand Repolt và William Bourdon đã tình nguyện hỗ trợ pháp lý cho bà Trần Tố Nga. Hàng trăm người bạn Pháp đã tham gia các cuộc mít tinh, vận động ủng hộ việc làm của bà. Luật sư Bertrand Repolt cho biết: “Ngày hôm nay diễn ra vụ kiện của Trần Tố Nga chống lại những công ty sản xuất hoặc tiếp thị chất độc da cam/dioxin, trong đó có Monsanto, vì hủy hoại môi trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là tội ác chống lại loài người bởi chất độc da cam đã được rải xuống trong nhiều năm trên khắp đất nước Việt Nam gây nên nhiều di chứng vĩnh viễn cho ít nhất 5 triệu người và điều này không thể bị lãng quên. Đây là một cuộc chiến quan trọng. Và vì lẽ đó, với cương vị là Nghị sĩ đảng Nước Pháp bất khuất, tôi có mặt ở đây cũng như vài năm trước tại quảng trường Trocadéro, để ủng hộ Trần Tố Nga”.
Còn luật sư William Bourdon bày tỏ: “Với cương vị là nhà môi trường, tôi hoàn toàn ủng hộ Trần Tố Nga và hy vọng bà thắng kiện. Tôi sẽ sử dụng tất cả sức ảnh hưởng của mình để giúp đỡ Nga chiến thắng, một chiến thắng không chỉ về mặt công lý mà còn về mặt chính trị, có được sự công nhận, đền bù và khắc phục”.
Các nguồn hỗ trợ về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế dành cho nhanh nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã thể hiện rõ nét tinh thần nhân văn, tình đoàn kết xuyên biên giới của những người yêu chuộng hòa bình đối với các nạn nhân Việt Nam.