(VOV5) - Nghị quyết 36/ TW về phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ chiến lược cho phát triển những nguồn năng lượng mới trong đó có điện gió ngoài khơi...
Với 3.200 km bờ biển và diện tích biển tổng khoảng 1 trieu km2, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Đứng trước một giai đoạn quan trọng về quy hoạch hệ thống năng lượng , Việt Nam đang có cơ hội hành động ngay để đẩy nhanh quá trình phát triển điện gió ngoài khơi. Theo tiến sĩ Lê Trung Hiếu, người Việt trẻ đang làm việc tại tập đoàn Worley, Vương Quốc Anh thì với các chủ trương được Nhà nước đã ban hành về phát triển năng lượng tái tạo, cùng với sự hợp tác quốc tế, điện gió ngoài khơi đang là cơ hội cho Việt Nam bứt phá để có thể trở thành trung tâm sản xuất năng lượng điện gió lớn nhất của khu vực trong tương lai không xa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Báo cáo mới đây của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu tiếp tục cho thấy Việt Nam đang là một trong những quốc gia có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, giải quyết bài toán khí hậu đang là một ưu tiên toàn cầu mang tính cấp bách, đòi hỏi chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có vấn đề chuyển dịch năng lượng truyền thống sang phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nghị quyết TW số 36 về phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định chiến lược cho phát triển những nguồn năng lượng mới trong đó có điện gió ngoài khơi.
Kỹ sư Lê Trung Hiếu tại một webinar (do Techfest tổ chức ) về tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam. |
Là một trong những thành viên cùng Bộ Công Thương tham gia soạn thảo Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đến năm 2050, Kỹ sư Lê Trung Hiếu - đang làm việc cho tập đoàn Worley của Vương quốc Anh, cho rằng điện gió ngoài khơi sẽ là một cột trụ quan trọng trong công cuộc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong tương lai: “Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu đã cam kết rằng Việt Nam sẽ giảm được 9% khí phát thải và tiến tới 27% đến năm 2030 nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam sẽ tiếp tục giảm điện than tăng phát triển năng lượng tái tạo đến 30% trong các nguồn cung sơ cấp đến năm 2045. Mới đây nhất khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự COP26 tại Anh cũng đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm vào 2030. Đó là một cam kết mạnh mẽ của các lãnh đạo Việt Nam, không chỉ tại sự kiện mà được thể hiện từ nghị quyết 55 của Bộ Chính trị Điều đó cho thấy niềm tin rằng ngành năng lượng tái tạo ngày càng phát triển tại Việt Nam”.
Dự án điện gió Vĩnh Phong, tỉnh Bình Thuận do Liên danh Zarubezhneft JSC và DEME Concessions làm chủ đầu tư. |
Theo Tiến sĩ Trung Hiếu, phát triển điện gió ngoài khơi không chỉ giúp Việt Nam đạt được cam kết về khí hậu, về mục tiêu thiên niên kỷ, đảm bảo được nguồn cung năng lượng trong tương lai mà các trang trại điện gió sẽ là điểm tham quan, du lịch đồng thời là những “mắt thần” giúp tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển quốc gia: “Cũng như tất cả các năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi sẽ giúp giảm khí phát thải CO2, đem lại an ninh năng lượng cho Việt Nam. Với tiềm năng từ biển rất lớn, chúng ta có rất nhiều cơ hội không chỉ cho phát triển kinh tế mà cho an ninh, bảo vệ chủ quyền vững chắc quốc gia. Phần bờ biển Việt Nam rất quan trọng, cần có lực lượng chuyên gia, lực lượng thuyền viên am hiểu về đáy biển, có kinh nghiệm và huy động được chi phí để xây dựng các công trình ngoài khơi. Và quan trọng nữa là Việt Nam làm sao mời gọi được các công ty quốc tế uy tín tham gia. Đó không chỉ vì mục tiêu kinh tế mà về an ninh và chủ quyền của Việt Nam".
Nhà máy điện gió Ninh Thuận. Ảnh bao Nhandan |
Những tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam có tiềm năng 160- 400GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển từ bở ra đến 200km. Trong khi, tổng công suất các nhà máy điện Việt Nam đang hoạt động là 40GW sử dụng các nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than và cơ bản đang dần cạn kiệt. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi gấp nhiều lần công suất hiện có và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu điện năng hiện tại và tương lai. Vùng ven biển phía Nam với diện tích 140km2, độ sâu đến 60m cho tiềm năng phát triển điện gió biển là rất lớn. Tiến sĩ Lê Trung Hiếu cho biết, cùng với hợp tác quốc tế hiện nay như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hoa Kỳ…, Việt Nam hiện mới chỉ đang triển khai được các dự án điện gió gần bờ chủ yếu tại các tỉnh như Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Ninh Thuận…
Tính đến 9/2020, Việt Nam có tổng số 67 dự án, với công suất gần 40 GW. Để xây dựng những trang trại điện gió xa bờ quy mô hơn nữa thì Việt Nam cần có thêm nghiên cứu khoa học cũng như những đánh giá về tiềm năng, về chuỗi cung ứng, cơ chế chính sách, công nghệ chuyển đổi số và các giải pháp thu hút vốn đầu tư.
Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận. Ảnh minh họa/Nangluongvn |
“Để xây dựng và phát triển một trang trại gió ngoài khơi, những gì Việt Nam có thể làm được là về hạ tầng điện gió. Ví như, trạm biến áp ngoài khơi, giàn khoan hay nền móng cột trụ, Việt Nam đã làm được. Còn hệ thống Tourbin, tàu lắp đặt, tàu giải cáp, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cấp được với sự hỗ trợ về công nghệ và kỹ thuật từ các nhà đầu tư quốc tế. Tôi tin rằng, điều quan trọng là chính phủ Việt Nam đưa ra tầm nhìn mục tiêu cho công suất nguồn đặt điện gió ngoài khơi 10GW đến 2035. Điều này chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Tóm lại, trong lộ trình này, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được với khả năng của người Việt cùng với chính sách cơ chế phù hợp”. Kỹ sư Lê Trung Hiếu khẳng định.
Có thể thấy, dự thảo quy hoạch điện 8 đã nâng công suất điện gió ngoài khơi đến 2030 lên 4GW, nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn rất mong chờ một cơ chế rõ ràng, chắc chắn hơn cũng như sự nhất quán các khuôn khổ pháp lý để vững tâm hơn trong các quyết định đầu tư ở Việt Nam.