Người “bắc cầu kiều” cho bao trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật

(VOV5) - Tại nhà văn hóa khu dân cư 11 phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội có một lớp học tình thương đã mở hơn 20 năm nay. Học sinh đều là những đứa trẻ khuyết tật và gặp hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Côi dù năm nay đã ngoài 70 tuổi ngày ngày vẫn cần mẫn đến lớp để dạy học cho các em. 
Người “bắc cầu kiều” cho bao trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật - ảnh 1 Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Côi tại nhà văn hóa

 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đã hơn 20 năm nay, căn phòng nhỏ rộng hơn 20m2 chỉ với một tấm bảng, vài bộ bàn ghế và những vật dụng đơn giản đã trở thành nơi chốn hạnh phúc của hàng chục đứa trẻ. Có học sinh cũng đã ở tuổi xấp xỉ 50 và cũng có cả những đứa trẻ chỉ chừng 8,9 tuổi. Đa phần các em đều nhận thức chỉ như đứa trẻ lơp vỡ lòng với những nụ cười hồn nhiên, những câu hỏi ngây ngô.

"Có 20 em thì 18 em trình độ khác nhau. Cùng lớp 1 có những em bắt đầu học từng chữ một, có em đã ghép thành vần, có em ghép thành tiếng. Có những em đọc không ra tiếng, mà nói không ra chữ thì cô phải dạy lâu hơn, cô dạy bao giờ các em nắm được, đọc được viết được thì thôi" - Cô giáo Nguyễn Thị Côi chia sẻ về lớp học đặc biệt của mình.

Chung một phòng học nhưng mỗi em học một chương trình:  người lớp 1, người lớp 3, người lớp 5. Có lẽ điểm chung duy nhất giữa các em là chính là hoàn cảnh như những trò đùa trớ trêu của số phận. Có em thì khuyết tật, em thì bị tự kỷ, hay có em thì thiểu năng trí tuệ. Mỗi em một hoàn cảnh, hai chữ “gia đình” đối với các em, người có, người không. Nhưng lớp học của cô giáo Côi chính ngôi nhà nhỏ chứa đầy tình yêu thương của các em. 

"Con cảm thấy rất vui khi học ở đây, con học được rất nhiều, học được cách sống, giữ gìn vệ sinh. Cô còn dạy con học Toán, học đọc, tập viết".

"Em học để biết đọc, biết chữ, biết cộng trừ nhân chia, rồi biết về kĩ năng sống, giao tiếp, mà em muốn học để mà vươn lên" - các em học sinh chia sẻ.

Đã từng là hiệu trưởng của một trường tiểu học, sau khi nghỉ hưu, bằng niềm cảm thương những số phận đặc biệt nên hơn 20 năm qua cô giáo Côi vượt qua mọi gian nan đi tìm học trò đến lớp. Từ những đứa trẻ lang thang trên đường phố, bãi rác cho đến xóm trọ lao động nghèo, đều được cô “nhặt” chung về dạy học. Cô đặt tên cho lớp là “Lớp học linh hoạt”. Và ở lớp học này cô vừa là người dạy chữ vừa là người dỗ dành các em.

"Có những em, có thể vì bệnh tật mà những ngày trái nắng trở trời, có em có thể bị ngất xỉu, có em ra đùa, hát, phá, có những em lại nói lung tung, với những điều như thế giáo viên phải kiên trì".

Lớp học đặc biệt này không có tiếng trống trường thúc giục vội vã, không có sự ồn ào, náo nhiệt nhưng ở đây cô Côi vẫn tạo cho các em những nề nếp như một lớp học bình thường. Cô viết lịch phân công trực nhật hàng tuần, cô dạy các em học toán, học văn, học đạo đức để làm người. Mơ ước của cô giáo già đã ở tuổi 70  thật giản dị, đó là  mong học trò của mình  có thể làm nên những điều bình thường như bao đứa trẻ khác, có thể tự lập, hoặc ít nhất cũng ý thức được bản thân để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Anh Bùi Anh Dũng, phụ huynh của cháu Bùi Anh Huy, nhà ở quận Thanh Xuân chia sẻ: "Trong thời gian cháu theo học ở đây, cháu có những cái tiến bộ, kể cả về nhận thức, tư duy và sống biết chia sẻ".

Hơn 20 năm gắn bó với lớp học tình thương, không bằng khen, cũng chẳng có kỷ niệm chương, và tình yêu thương chính là động lực duy nhất để cô giáo già ấy vẫn cần mẫn, lặng lẽ bắc chiếc “cầu kiều”  cho bao trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật được học thành người.

Phản hồi

Các tin/bài khác