(VOV5) -Tết Nguyên đán là một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời, không thể thiếu trong đời sống của người dân nhiều nước châu Á.
Đây là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp, tỏ lòng kính trọng với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cầu mong về một năm mới hạnh phúc, bình an.
Đèn lồng đỏ ở Phố chợ Tết tại Thương đô Phú Thành, thành phố Di Lặc, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam ngày 5/2/2024. Ảnh: VCG |
Lễ hội mùa xuân hay Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất của Trung Quốc khi người dân trên khắp đất nước trở về quê hương để đoàn tụ gia đình. Vào dịp năm mới, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.
Dịp này, người dân Singapore thường trang trí những chiếc đèn lồng rực rỡ, dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, mua sắm đồ đạc và nấu các món ăn truyền thống. Trong bữa ăn ngày tết của người Singapore không thể thiếu bánh trôi tàu hay mỳ trường thọ, những món ăn tượng trưng cho sự đoàn viên và sum họp.
Đón Tết Seollah ở Hàn Quốc. Ảnh: Hi Asia |
Còn tại Hàn Quốc, người ta gọi Tết âm lịch là Seollal. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu thời khắc bước sang năm mới mà còn là kỳ nghỉ lễ dài ở Hàn Quốc chỉ sau Tết Trung thu. Dù sống trong một xã hội hiện đại, nhưng với truyền thống trọng gia đình, người dân Hàn Quốc vẫn giữ truyền thống về quê ăn Tết với người thân.
Chính vì thế, nghi lễ đầu tiên trong ngày đầu năm mới là các thành viên trong gia đình tập trung trước bàn thờ gia tiên để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Và một món ăn không thể thiếu để dâng cúng tổ tiên trong ngày đầu năm mới là món Tteokguk - canh bánh gạo. Người Hàn quan niệm thanh bánh gạo dài là tượng trưng cho sự trường thọ, cho công việc được thuận lợi, làm ăn phát đạt. Trong khi đó, hình bầu dục của các miếng bánh thái lát tượng trưng cho đồng tiền xu từng được sử dụng trong quá khứ mang ý nghĩa phát tài lộc cả năm.