(VOV5) - Có thể thấy trong những năm gần đây, thói quen sắm Tết của người Việt đang thay đổi theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm song vẫn giữ nết truyền thống.
Chỉ còn gần 10 ngày nữa là đến Tết cổ truyền dân tộc ở Việt Nam. Không khí chào đón một mùa Xuân mới đã rộn ràng khắp nơi, đặc biệt tại các triển lãm, hội chợ Xuân. Mọi người đến đây không chỉ để mua sắm mà còn tham quan giải trí.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dạo quanh những ngôi chợ truyền thống dân sinh, các cửa hàng tiện ích, siêu thị hay những hội chợ xuân ở Hà Nội, thấy không khí Tết đã hiện diện khắp phố phường. Thị trường hàng hóa Tết dồi dào, phong phú, giá cả cạnh tranh, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết ông Công ông Táo nhưng sức mua sắm của người dân chưa thật sự nhộn nhịp. Ngay cả tại các Hội chợ Xuân, nơi có quy mô lớn với hàng trăm gian hàng đủ loại, lượng khách đến nhiều nhưng chủ yếu chỉ để tham quan, ngắm nghía.
Không khí Tết đã rộn ràng |
Anh Lê Minh ở Bà Triệu thăm khu chợ Tết Hà Thành cho biết, gia đình anh không cần phải vội vàng sắm Tết: “Giờ mọi thứ đều đơn giản. Khi nào cơ quan cho nghỉ, vợ chồng tôi mới đi mua sắm Tết. Thường vào ngày 28, 29 mới đi mua, chỉ cần vài tiếng là sắm đủ Tết. Giờ hàng hóa đa dạng, phong phú mua ở đâu cũng có. Gia đình tôi ăn Tết đơn giản, vui chơi,nghỉ ngơi là chính, ăn uống là phụ. Tết nhất bây giờ không nên quá cầu kỳ.”
Một góc chợ Tết Hà Thành ở phố Ngô Quyền, Hà Nội |
Không khí mua sắm trong những ngày cận Tết mấy năm gần đây bớt đi sự tấp nập hối hả vốn có, không phải do đời sống kinh tế khó khăn mà một phần chính là do hệ thống cung ứng hàng tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ngày càng dồi dào, đa dạng. Một nguyên nhân khác là nhiều cửa hàng, chuỗi siêu thị có xu hướng phục vụ xuyên cả Tết.
“Với riêng gia đình em không có thói quen tích trữ tại vì bây giờ mọi thứ rất là tiện, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích phục vụ đến 30 và xuyên Tết. Em mua đồ ăn chỉ đủ dùng cho ngày 30,1,2 và mùng 3 là cùng. Sau đó em mua mới cho tươi ngon”. Chị La Thu Trang- khu đô thị Times City nói.
Chị Thu Trang ở khu đô thị Times City, Hà Nội |
Cô Lê Thị Tỵ ở Lò Đúc cũng cho rằng: “Tết này mình chỉ sắm đủ thôi, Bởi vì, Tết xong mấy ngày chợ lại có đồ ăn tươi, sắm nhiều để tủ lạnh, ăn đồ lưu không ngon, không tốt cho sức khỏe. Mua đầy tủ không sử dụng hết, lãng phí.”
Có thể thấy, trong sự phát triển hội nhập nhanh của nền kinh tế, cùng sự nhập nhằng chất lượng các loại thực phẩm thì tâm lý và thói quen đi chợ sắm Tết của nhiều người cũng thay đổi nhiều. Thay vì đi mua sắm tại chợ truyền thống, những người trẻ lại thích đến các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini hay đặt mua hàng online, bởi sự tiện dụng và an tâm về chất lượng sản phẩm.
Thị trường hàng hóa Tết rất phong phú, đa dạng |
Anh Mạnh Trường ở phố Bạch Mai cho biết "“ Đối với em, mua sắm ở siêu thị là chính, 80% lựa chọn siêu thị. Đi chợ truyền thống gần như giờ chỉ là thế hệ bố mẹ hoặc khi nhỡ nhàng mua thiếu. Tại siêu thị có đầy đủ mọi thứ. Xu hướng sắm Tết năm nay của gia đình em ít hơn mọi năm, chỉ là các mặt hàng thiết yếu nhưng điều quan trọng là phải rõ xuất xứ, chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
“ Lâu lắm em không đi chợ truyền thống vì tiêu chí của gia đình em là thực phẩm phải sạch.Vì thế, em thường mua qua các công ty em tìm hiểu rồi đặt hàng online. Mua bán ở cửa hàng tiện ích cũng hơn bởi đảm bảo nguồn gốc. Khi tin tưởng rồi, em cứ thế đặt mua và dùng thường xuyên luôn.” Thu Lan ở phố Minh Khai nói.
Dẫu vậy, trong dòng chảy cuộc sống hiện đại luôn hối hả, bận rộn, dù việc sắm Tết có đơn giản đi nhiều thì phần đông người Viêt vẫn cho rằng ngày Tết bao giờ cũng phải có mâm ngũ quả, chậu quất, cành đào, cây mai, lọ hoa xuân hay không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên những món ăn như gà, bánh trưng, nem rán, giò chả…
Cô Hồng ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm nói:“Vẫn phải có một cái Tết đầy đủ, chu đáo. Bởi đây là dịp mình nhớ về cội nguồn, thăm hỏi bà con cô bác. Có cái Tết để sum vầy con cháu. Riêng gia đình tôi cũng sắm đủ cho 3 ngày Tết, mâm cỗ bao giờ cũng phải có gà, canh măng, đĩa nem, xôi gấc, bánh chưng, đĩa chè con ong hay chè đỗ xanh.”
Và những người trẻ tuổi như anh Trường cũng đồng tình rằng tập tục đón Tết cổ truyền của người Việt vẫn cần được thực hành và gìn giữ: “Trong xu hướng hiện nay, nhà em vẫn giữ truyền thống đấy nhưng có đan xen yếu tố hiện đại. Em nghĩ, Tết bây giờ cần gọn nhẹ hơn, những gì cần gìn giữ thì nên giữ còn những gì cần thay đổi cho phù hợp với hiện đại thì nên làm”.
Tết nguyên đán, nét văn hóa truyền thống Việt cần được gìn giữ |
Tết nguyên đán của Việt Nam dù trong hoàn cảnh nảo vẫn luôn thật ấm cúng, là dịp đoàn viên của gia đình, là nét văn hóa cổ truyền không thể nhạt phai. Và điều quan trọng đối với mỗi người dân Việt là phải làm sao để không chỉ gìn giữ, phát huy những giá trị trường tồn đó mà vẫn thích nghi được với nhịp sống hiện đại và hội nhập toàn cầu.