(VOV5) - Những câu chuyện về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự chung tay, đoàn kết hiện diện ở mọi nơi.
Hoàn lưu sau siêu bão Yagi với những đợt mưa, lũ đã và đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của người dân các tỉnh miền Bắc. Trước sức tàn phá của thiên nhiên, tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam như được nhân lên gấp bội.
Đà Nẵng cử 2 đội công tác hỗ trợ thành phố Hà Nội và Hải Phòng cắt, tỉa, dọn dẹp cây xanh ngã đổ do bão Yagi. Ảnh: VOV |
Đêm đã khuya, thế nhưng nhiều khu dân cư giữa lòng thành phố Đà Nẵng vẫn sáng đèn. Tại những nơi đó, từ thanh niên tới những ông, bà ngoài 70 tuổi, người chuẩn bị nguyên liệu, người gói bánh tét, gói bánh chưng, nhóm canh nồi luộc bánh… ai cũng tất bật để kịp làm bánh gửi ra cho bà con vùng bão lũ ở miền Bắc trong chuyến hàng vào sớm hôm sau. Người góp công, người góp gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… Mỗi chiếc bánh gói trọn cả tình yêu gửi tới đồng bào trong lúc khó khăn. Ông Nguyễn Thành Long ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, chia sẻ là người dân Việt Nam, cùng dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”, ai cũng xót xa và mong muốn được san sẻ khó khăn với đồng bào miền Bắc đang phải căng mình trước bão lũ trong lúc này: "Hôm qua đã gói được 1.000 cái bánh, hôm nay gói thêm 1000 cái nữa để chuyển ra miền Bắc ủng hộ bà con. Anh em mỗi người hỗ trợ một tay, góp kinh phí để mua nguyên vật liệu. Tham gia việc này mình huy động có thôn, xóm và tổ dân phố và chị em tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Chúng tôi chưa ngừng nghỉ vẫn tiếp tục gói và nấu bánh chưng xuyên đêm".
Cùng với những chuyến xe chở bánh chưng, bánh tét và hàng cứu trợ, các đội tình nguyện miền Trung đã lên đường tham gia cứu hộ và dọn dẹp vệ sinh sau bão tại các tỉnh miền Bắc. Những chuyến xe từ miền Trung nối tiếp nhau ra miền Bắc mang theo nhu yếu phẩm, thực phẩm, giúp người dân miền Bắc sớm ổn định cuộc sống
Cũng trong những ngày này, các điểm tiếp nhận ủng hộ người dân vùng lũ miền Bắc tại các tỉnh tây Nguyên đã đón tiếp hàng trăm lượt người dân tới đóng góp hàng hóa, nhu yếu phẩm. Bà con chia sẻ:
- Tôi thấy xúc động lắm vì người dân rất đoàn kết. Có người chạy 62km lên, từ nhiều nơi chạy tới, chung tay cùng giúp đỡ miền Bắc. Từ sáng đến giờ, chúng tôi không nghỉ ngơi để tiếp nhận hàng.
- Toàn bộ các nhu yếu phẩm trên địa bàn thành phố cũng như các huyện tập trung tại quảng trường. Từ đó Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Kon Tum kết nối với các đơn vị vận chuyển hàng miễn phí chuyển ra cho bà con miền Bắc để hỗ trợ giúp đỡ bà con vượt qua nghịch cảnh này.
Nhóm của anh Tuấn Anh vận chuyển xuồng máy, áo phao ra hỗ trợ người dân các tỉnh phía Bắc. Ảnh: VTC |
Tại thành phố Hồ Chí Minh, đêm 09/09, chỉ 1 ngày sau khi siêu bão Yagi càn quét qua các tỉnh miền Bắc gây thiệt hại nặng nề, nhiều nhóm thiện nguyện đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị hàng hóa để gửi ra hỗ trợ đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang... Hàng nghìn chiếc áo phao; nhiều tấn lương khô và hàng nghìn chiếc đèn pin đã được các nhóm đóng thành những thùng hàng lớn, nhanh chóng vận chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất, để kịp chuyến bay sớm nhất ra Hà Nội trong ngày hôm sau. Cùng tham gia các hoạt động này, anh Hoàng Tuấn Anh, người có sáng kiến “ATM gạo” trong đại dịch COVID-19, vẫn đang tích cực tìm mua xuồng máy, áo phao, lương thực để chuyển ra miền Bắc. Anh Hoàng Tuấn Anh cho biết: "Bên mình sẽ phối hợp với các Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn ở phía Bắc. Sau khi tiếp nhận các phương tiện và thiết bị này thì họ sẽ thành lập những đội ATM cứu hộ. Đội này sẽ dùng những xuồng máy đi cứu hộ tại những địa điểm đang bị lũ lụt nặng. Ngoài việc cứu hộ thì cũng có thể tiếp tế lương thực và đưa người dân bị cô lập đến nơi an toàn hơn".
Ngoài công tác cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ, nhiều cá nhân, đội nhóm thiện nguyện tại thành phố Hồ Chí Minh và 1 số tỉnh, thành phía Nam cũng đang lên kế hoạch cung cấp vật liệu và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng lại các ngôi nhà cho người dân vùng bão lũ trong thời gian tới.
Cũng chịu ảnh hưởng sau siêu bão Yagi, nhiều địa bàn tại thành phố Lạng Sơn bị ngập úng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, ngay sau khi nước rút, người dân thành phố Lạng Sơn đã đóng góp nhiều nhu yếu phẩm để vận chuyển vào vùng lũ: "Em nghĩ là mỗi con người Việt Nam không chỉ riêng tại Lạng Sơn mà trên khắp cả nước, khi nhìn thấy những hoàn cảnh như thế thì mọi người đều muốn chung tay góp sức để giúp mọi người vượt qua bão. Mặc dù chỉ là mỗi cá thể nhỏ bé thôi nhưng khi mình cùng đóng góp cho xã hội thì sẽ thành những điều lớn lao".
-"Chúng tôi cũng đã ủng hộ mỗi 1 huyện gặp khó khăn do mưa lũ 100 thùng nước uống. Chúng tôi cũng kêu gọi các mạnh thường quân cùng ủng hộ để giúp bà con ở những khu vực bị chia cắt do lũ. Hiện tại ngoài Thất Khê (Tràng Định) thì cả Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng đều đã có những chuyến xe đi tới để ủng hộ cho bà con".
Không chỉ người dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài những ngày này cũng luôn hướng về đồng bào miền Bắc với tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc. Các buổi quyên góp đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia nhằm kêu gọi bà con trong cộng đồng đóng góp hỗ trợ đồng bào nơi quê nhà.
Giữa lúc khó khăn, trong bão lũ, tinh thần “tương thân, tương ái” và “lá lành đùm lá rách”, tình yêu thương đồng bào, sự đoàn kết của người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã được thể hiện đầy xúc động. Những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” đã và đang được lan tỏa sẽ giúp người dân miền Bắc sớm vượt qua khó khăn.