(VOV5) - Họ là những người đứng đầu các câu lạc bộ, các đội nhóm tình nguyện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước
70 gương mặt thanh niên tiêu biểu sẽ được nhận Giải thưởng Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng, một sự kiện do Cộng đồng tình nguyện Việt Nam và Chương trình tình nguyện của Liên hợp quốc phối hợp tổ chức nhân ngày Quốc tế tình nguyện 5/12. Họ là những người đứng đầu các câu lạc bộ, các đội nhóm tình nguyện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hội tụ trong những ngày cuối năm, các thủ lĩnh tình nguyện mang về Thủ đô những câu chuyện, những thành tích và không ít trăn trở cho hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Mỗi người một vẻ, mỗi người một tính cách, nhưng toát lên ở họ, là sự năng động, cởi mở, mong muốn được chia sẻ, bày tỏ, giao lưu để hiểu nhau hơn. Và câu chuyện của họ cũng hết sức tự nhiên, đưa người nghe dần dần cảm thấy bị lôi cuốn.
Đào Trọng Hưng, chàng thanh niên hiện là Trưởng ban Ngân hàng máu sống của Câu lạc bộ trái tim hồng tỉnh Thanh Hóa không giấu được nỗi buồn khi kể về hai lần đã định từ bỏ tham gia hiến máu nhân đạo, công việc anh đã theo đuổi 4 năm vì cảm thấy hiến máu nhưng không cứu được người bệnh. Đó là những thời điểm khó khăn khi Hưng đấu tranh liệu có nên tiếp tục công việc này hay không. Nhưng chàng trai đã quyết định đi tiếp vì biết rằng còn nhiều người cần đến mình vì mình là thủ lĩnh, mình cần phải tuyên truyền vận động và tập hợp các bạn trẻ vào tổ chức để tham gia những hoạt động ý nghĩa.
Gương mặt các thủ lĩnh tình nguyện |
Đến nay, sau hơn 4 năm hoạt động, Câu lạc bộ trái tim hồng tỉnh Thanh Hóa đã tập hợp được 300 thành viên thường trực và số thành viên không thường trực lên tới hàng ngàn. Ngoài vận động hiến máu, Câu lạc bộ đã thực hiện khá nhiều các hoạt động khác hướng về cộng đồng, như Hưng chia sẻ:“ Có nhiệm vụ vận động tuyên truyền hiến máu nhân dạo, vận động kiến thức tuyên truyền hiến máu, thay đổi suy nghĩ của người dân về hiến máu, hỗ trợ công tác bảo trợ xã hội an sinh, kêu gọi xây nhà từ thiện, tiếp nhận các gia đình khó khăn như các em mồ côi, vướng bận học phí.. Hoạt động ủng hộ lũ lụt miền Trung thực hiện tốt. Số lượng đông khi thì mình cần thì quan trọng kêu gọi tập huấn như thế nào để các bạn tiếp thu dễ nhất”.
Câu lạc bộ thiện nguyện Nét bút xanh miền Trung do Hoàng Trung Đức làm chủ nhiệm được thành lập năm 2013 sau khi cơn bão số 10 và 11 tàn phá gây ảnh hưởng nặng nề cho người dân ở Quảng Bình. Nhận thức phải làm được việc gì đó giúp cho người dân của quê hương mình còn khó khăn, Câu lạc bộ được thành lập và số hội viên ngày càng đông với nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, an sinh xã hội được triển khai hiệu quả: “ Có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, an sinh xã hội rất tốt như quán cơm thiện nguyện 5k, hỗ trợ người nghèo, vô gia cư. Xây dựng nhiều mô hình đặc biệt, trang trại gia cầm sạch, hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi không những hỗ trợ giống, kỹ năng tập huấn mà còn hỗ trợ tiêu thụ. CLB tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng như chương trình Trung thu, đông ấm, xuân biên cương vì mục tiêu hỗ trợ cộng đồng”.
Điều đặc biệt, khắp các tỉnh miền Trung, câu lạc bộ đều có đại diện là người Quảng Bình sẵn sàng hỗ trợ cho các hoạt động. Chỉ tính riêng sau cơn bão số 10 và 11 năm ngoái, Câu lạc bộ đã kết nối vận động hỗ trợ cho người dân Quảng Bình và Hà Tĩnh được 5 tỷ đồng. Năm nay, cơn bão vừa qua cũng đã hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng.
Với chàng thanh niên Lý Mạnh Trí, quyết tâm theo đuổi hoạt động xã hội của tổ chức đoàn đã đưa anh tới quyết định rời bỏ trường Bách Khoa, lựa chọn theo học tại Học viện thanh thiếu niên Việt Nam. Trí cho rằng, quyết định này hoàn toàn đúng đắn vì chương trình học đã bổ trợ rất nhiều cho các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện cho xã hội. Đặc biệt, Trí liên kết các bạn sinh viên người Lạng Sơn đang theo học tại Hà Nội để thành lập Hội đồng hương sinh viên và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch. Hội đã có nhiều hoạt động không chỉ hướng về quê hương Lạng Sơn, quảng bá ẩm thực xứ lạng mà còn giúp các bạn trẻ chọn trường, định hướng nghề. Lý Mạnh Trí cho biết: “ Bốn hoạt động chính: mùa đông, với xã giáp ranh là ấm lòng biên giới và không giáp ranh là đông ấm xứ lạng.Dựa vào đó, có hoạt động khác nhau nhưng trao suất quà, như chăn, áo ấm máy sưởi thắp cho trâu bò vì trên đấy rất lạnh. Ngoài chương trình mùa đông, thì tháng 3 tháng 4 cớ kỹ năng sĩ tử. Tư vấn chọn trường, định hướng nghề. Thời gian tới, Hội mong liên kết được với 1 tổ chức quốc tê để đưa chương trình ra ngoài nhiều hơn”.
Còn Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện tuổi trẻ Vĩnh Phúc, kiêm Phó Chủ nhiệm Cộng đồng tình nguyện Việt Nam thì các chương trình tình nguyện, thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng của các câu lạc bộ, đội, nhóm đạt nhiều hiệu quả trước hết phải nhờ vào những thủ lĩnh, những người luôn biết lan tỏa sức mạnh của mình trong giới trẻ: “ Khi tham gia vào gia đình tình nguyện không chỉ quan tâm tình nguyện mà còn phải quan tâm cá nhân, san sẻ trong cuộc sống. Điều quan trọng mình lan tỏa và mọi người hướng tới mình thì phải có nhiệt huyết đối với mọi người, chân thành, chân tình, tình cảm để gắn kết nhau lại.. Phải là người truyền lửa, thổi vào tinh thần cho các anh em. Người thủ lĩnh không phải chỉ chỉ tay 5 ngón mà phải có tầm nhìn xa để mọi người đồng hành với mình trong các chương trình”.
Sự đồng hành ấy khiến câu chuyện cứ nối dài, cho dù ngoài trời thời tiết đầu đông càng về khuya càng lạnh thì sự ấm áp vẫn lan tỏa trong chính những câu chuyện của họ, trong chính tinh thần tình nguyện.