(VOV5) - Ngoài nhu cầu lao động, hưởng thụ, con người còn muốn bảo vệ cho tương lai của mình hoặc đề phòng những rủi ro có thể xảy đến trong khi lao động hay trong các hoạt động khác. Vì thế, bảo hiểm ra đời đáp ứng được tất cả các nhu cầu trên.
Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng bảo hiểm đang tăng lên cùng với chất lượng cuộc sống. Vì thế, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Cùng với Nghị quyết cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Trung ương ban hành mới đây, ngành bảo hiểm xã hội cũng đang tích cực triển khai cải cách chính sách, nhằm thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội.
Ngoài nhu cầu lao động, hưởng thụ, con người còn muốn bảo vệ cho tương lai của mình hoặc đề phòng những rủi ro có thể xảy đến trong khi lao động hay trong các hoạt động khác. Vì thế, bảo hiểm ra đời đáp ứng được tất cả các nhu cầu trên.
Bảo hiểm xã hội cần mở rộng đối tượng. |
Trong 9 chế độ bảo hiểm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đặt ra thì hiện nay Việt Nam đã thực hiện được 5 chế độ, đó là trợ cấp ốm đau, trợ cấp thai sản, trợ cấp tai nạn lao động, trợ cấp hưu trí và trợ cấp tử tuất. 5 chế độ này đã khắc phục được tương đối các rủi ro, tổn thất của người lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay còn thấp.
Tính đến thời điểm này, cả nước mới có hơn 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tức chỉ chiếm khoảng 24% lực lượng lao động. Đặc biệt là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội chưa bền vững, chủ yếu do có sự hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, sự cần thiết phải mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội nhằm hướng tới mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, được đặt ra cấp bách. Trong đó, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế trên nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng: Thực tế, nếu chúng ta xây dựng được hệ thống chính sách trở thành trụ cột chính thì chắc chắn đảm bảo an sinh cho toàn dân sẽ tốt hơn. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội cũng đã đổi mới, nhưng rõ ràng so với yêu cầu vẫn còn đang có khoảng cách. Độ bao phủ đang rất thấp, dưới 30%. Điều đó có nghĩa, vẫn còn 70% đang trong độ tuổi có việc làm và có thu nhập, vậy sau 5, 10 năm khi họ hết độ tuổi lao động mà không may gặp rủi ro, ốm đau thì họ sẽ lấy gì để hỗ trợ. Cho nên nếu chúng ta không mở rộng độ bao phủ thì đây là thách thức rất lớn.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hiện tại, ngành bảo hiểm xã hội cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt BHXH Việt Nam khẳng định: Chúng tôi tiếp tục cố gắng hoàn thiện cải tiến quy trình nghiệp vụ, cải cách hành chính, hoàn thiện các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, sẽ có bước cải tiến lớn về tinh thần, thái độ phục vụ, làm sao coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm.
Một trong những trọng tâm của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới là tăng cường độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, tiến tới một chế độ bảo hiểm xã hội toàn dân. Điều này được quy định rõ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị. Theo đó, hướng tới một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, tin cậy và hiệu quả.