(VOV5) - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định trong năm 2017, hợp tác APEC với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp cho tương lai chung”, hợp tác APEC 2017 cần tập trung vào những nội dung ưu tiên
Ngày 12/5, các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM-2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục diễn ra tại Hà Nội. Các chủ đề nổi bật từ thúc đẩy thương mại số, tới phát triển nguồn nhân lực, tăng cường bảo trợ xã hội tới công tác quản lý rượu đã được thảo luận và phân tích làm rõ.
: Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự đối thoại. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
|
Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC, với sự tham dự của Thứ Trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM, đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định trong năm 2017, hợp tác APEC với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp cho tương lai chung”, hợp tác APEC 2017 cần tập trung vào những nội dung ưu tiên như: Thúc đẩy tăng trưởng các nền kinh tế thành viên theo hướng bền vững, sáng tạo và bao trùm hơn; Tăng cường và làm sâu sắc liên kết khu vực; Tích cực hỗ trợ hiệu quả hơn các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong kỷ nguyên số; Đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững gắn với chống biến đổi khí hậu: “4 ưu tiên này là yếu tố bao trùm của hợp tác APEC. Trong bối cảnh những lo ngại về toàn cầu hóa đang tạo ra những lực cản đối với tiến trình liên kết kinh tế khu vực, giờ là lúc APEC cần đảm bảo mọi người dân, mọi doanh nghiệp được tham gia đầy đủ và thụ hưởng công bằng thành quả tự do hóa thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế.”
: Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự đối thoại. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
|
Tại Hội thảo Giáo dục và Đào tạo kỹ năng và an sinh xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh về an sinh xã hội những thập kỷ gần đây, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã có sự tăng trưởng rõ rệt. Kết quả là mức sống của người dân được cải thiện rất lớn, cho phép hàng trăm triệu người có cuộc sống tốt hơn, năng suất hơn, mặt khác tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho các chính phủ trong khu vực nâng cao mức ngân sách dành cho an sinh xã hội: “An sinh xã hội là một khoản đầu tư vào con người và vào phát triển kinh tế xã hội lâu dài. Với khẩu hiệu “Không ai bị để lại phía sau” được khẳng định tại chương trình nghị sự về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030, cần phải có một sự thống nhất giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương để đảm bảo các quyền về an sinh xã hội trong các thể chế quốc gia và các khuôn hợp tác khu vực. Do đó, cần phải đảm bảo tất cả các chương trình an sinh xã hội một mặt phải thích nghi được với những thay đổi về nhân khẩu, về kinh tế, xã hội và thiên tai thảm họa, mặt khác trợ cấp về an ninh xã hội phải không cản trở động lực làm việc. Các chương trình an sinh xã hội phải được xây dựng để đáp ứng tích cực đối với tình hình già hóa dân số và thừa nhận người khuyết tật cũng là một lực lượng kinh tế”
: Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự đối thoại. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
|
Trong ngày làm việc hôm nay (12/5), Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) tổ chức đối thoại chính sách thương mại về xác định các thành tố nhằm tạo thuận lợi cho thương mại số. Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) có cuộc họp kỹ thuật của Diễn đàn quản lý rượu và vấn đề về hợp tác an toàn thực phẩm. Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) tổ chức hội thảo về kế hoạch hành động của chiến lược giáo dục và hội thảo về tăng cường bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, còn diễn ra Hội nghị giới hạn dư tối đa của Mạng lưới Viện Đào tạo Đối tác (PTIN). Các quan chức cấp cao APEC cũng có những cuộc thảo luận tiếp theo về đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo và đối thoại về công nghiệp ô tô.