(VOV5)- 2014 là một năm xảy ra nhiều tai nạn, sự cố với ngành hàng không quốc tế. Ước tính, từ đầu năm đến nay, có khoảng 30 vụ tai nạn máy bay các loại trên toàn thế giới, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng. Có những tai nạn do trục trặc kỹ thuật, do sự bất cẩn sơ ý của con người, do yếu tố thiên nhiên, song cũng có cả những thảm họa gây ra do chủ ý của con người mà cộng đồng quốc tế đã lên án gọi đó là tội ác.
|
Mảnh máy bay MH17 của Malaysia Airlines, gần Grabova, đông Ukraina. Ảnh chụp 21/07/2014.- REUTERS |
Lịch sử ngành hàng không thế giới từng chứng kiến những thảm họa hàng không tồi tệ. Năm 1972 là năm có số lượng người chết liên quan đến máy bay cao nhất, hơn 3.300 người. Cho đến nay, tai nạn được cho là thảm khốc nhất trong lịch sử hàng không dân dụng là vụ rơi máy bay Boeing 747-200 của Hãng hàng không Japan Airlines, xảy ra ngày 12/8/1985 khiến 520 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Tuy nhiên, những vụ tai nạn hàng không dồn dập xảy tới năm 2014 trên cả chuyến bay nội địa và quốc tế ở nhiều nước, lại khiến cả thế giới bàng hoàng về mức độ thảm khốc của nó cũng như những thiệt hại kinh tế khó tính đếm trong việc khắc phục hậu quả. Những thảm họa đó lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn trong ngành hàng không, cũng như an ninh, an toàn thế giới.
Những ngày kinh hoàng nhất của hàng không thế giới năm 2014
Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777 số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines biến mất bí ẩn trên không trung khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Vụ mất tích này là điều chưa từng xuất hiện trong lịch sử hàng không hiện đại. Nhiều quốc gia đã chung tay nỗ lực tìm kiếm mảnh vỡ máy bay, quét khắp vùng trời và vùng biển trải dài trên một diện tích rộng lớn, tiêu tốn hàng trăm triệu USD và chiến dịch tìm kiếm MH370 trở thành chiến dịch tìm kiếm máy bay tốn kém nhất trong lịch sử. Mọi giả thiết, mọi nghi vấn và các cuộc điều tra được khẩn trương tiến hành nhưng cho tới nay, số phận và tung tích của 227 hành khách và 12 thành viên trong phi hành đoàn vẫn hoàn toàn là ẩn số.
Ngày 17/5/2014, thảm kịch đã xảy ra đối với chiếc máy bay quân sự AN-74 TK300 của không quân Lào. Trên máy bay có 19 quan chức nước này đang trên đường đến tham dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, khiến 4 quan chức cao cấp của Lào tử nạn. Tháng 7/2014 được xem là tháng xui xẻo nhất với ngành hàng không thế giới khi liên tiếp đón nhận tin dữ. Ngày 7/7, một máy bay huấn luyện của Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam đã gặp sự cố và rơi khiến 18 chiến sĩ hy sinh ngay lúc đó. Đúng 1 tuần sau, trong khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện ở phía nam thủ đô Phnompenh , một chiếc máy bay quân sự Campuchia cũng bị rơi xuống làm 5 người chết và 1 người bị thương nặng. Ngày 17/7, một chiếc trực thăng cứu hỏa Hàn Quốc tiếp tục gặp nạn ở phía nam Hàn Quốc khiến toàn bộ 5 người ngồi trên chiếc trực thăng tử vong. Ngày 23/7, một chiếc máy bay dân sự của Đài Loan có lộ trình đi từ Cao Hùng đến quần đảo Bành Hồ đã không thể hạ cánh do thời tiết xấu. Phi hành đoàn đã cố gắng bay vòng lại để hạ cánh lần 2 nhưng không thành công. Tai nạn xảy ra khiến 51 người thiệt mạng và 7 người còn lại bị thương.
Tội ác từ trên cao
Nhưng có lẽ vụ tai nạn thảm khốc nhất, gây sự quan tâm lớn nhất là gây sốc, bàng hoàng, đau xót nhất là vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ khi đang bay qua không phận Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng. Gần nửa năm trôi qua nhưng mọi nỗ lực điều tra để vén màn sự thật đang tiến triển rất chậm, dư luận phẫn nộ trước việc thủ phạm của tội ác này chưa bị đưa ra ánh sáng.
Ai bắn rơi máy bay? Vì sao một máy bay dân sự bị bắn rơi? Vì sao MH17 vẫn bay qua vùng chiến sự? Và hộp đen của máy bay MH17 đã tiết lộ điều gì? Tất cả những câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Một cuộc điều tra quy mô và toàn diện được tiến hành xung quanh vụ tai nạn thảm khốc chỉ được nhắc đến sau khi tai nạn xảy ra và dường như nó cứ nguội lạnh dần. Thay vì hợp tác để tìm ra sự thật, đến nay, dư luận chỉ chứng kiến những màn đấu khẩu quyết liệt và dai dẳng giữa các bên có liên quan. Chính phủ Ukraina cáo buộc các tay súng nổi dậy ở miền Đông đất nước bắn rơi MH17 bằng hệ thống tên lửa phòng không. Còn lực lượng tự vệ chống chính quyền Kiev luôn phủ nhận cáo buộc này. Trong khi giới chức Nga cho rằng Chính phủ Ukraina phải chịu trách nhiệm cho sự cố MH17 thì Mỹ và phương Tây lại một mực đổ lỗi cho Nga đứng đằng sau thảm họa này.
Thảm kịch sẽ không xảy ra nếu khu vực này hòa bình. Điều đó hoàn toàn đúng. Song điều mà dư luận không khỏi băn khoăn là trong thời đại công nghệ đã phát triển như ngày nay, việc tìm ra nguyên nhân chính xác của thảm họa lại không đem lại kết quả cuối cùng. Ai sẽ đòi lại công lý cho 298 nạn nhân vô tội? Thảm họa MH17 lại thêm một bằng chứng về hậu quả chiến tranh giữa các nhóm lợi ích, sắc tộc mà thường dân phải gánh chịu, để nhân loại một lần nữa khẩn thiết lên tiếng kêu gọi hòa bình./.