Ai Cập một năm sau "Mùa xuân Arập"

(VOV5) - Ngày 11/2 vừa qua, người dân Ai Cập kỷ niệm một năm ngày ông Hosni Mubarak bị lật đổ bằng một chiến dịch xuống đường gọi là ngày “bất phục tùng dân sự” đòi Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) trao lại quyền lực cho một chính phủ dân sự. Với nhiều người, một năm qua,   những thay đổi dân chủ tích cực vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, “mùa xuân Arập” vẫn còn dang dở. 

gày 11/2 năm ngoái, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubark phải từ chức, chấm dứt hơn 30 năm cầm quyền, chỉ sau 18 ngày đỉnh điểm của các cuộc xuống đường trên khắp đất nước. Cũng kể từ đó, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) nắm quyền điều hành đất nước. Bi kịch lớn nhất của “mùa xuân Arập” tại Ai Cập là thời cũ đã chấm hết nhưng thời mới chưa thật sự bắt đầu.  Mặc dù cuộc bầu cử Quốc hội đã được tổ chức song những chính trị gia cấp tiến và các nhà hoạt động cũng chẳng hài lòng. Cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới và báo chí được tự do hơn trước nhưng CSFA gồm 20 tướng lĩnh do Thống chế Hussein Tantaoui lãnh đạo vẫn kiểm soát chính phủ và dư luận cho rằng quân đội đang tìm cách duy trì phần nào quyền kiểm soát Ai Cập sau thời điểm bầu cử tổng thống. Họ nghi ngờ phe quân đội sẽ áp đặt một ứng cử viên tổng thống thuận lợi cho việc duy trì đặc quyền, đặc lợi. Mặc dù cựu Tổng thống Mubarak đã phải hầu tòa vì tội đàn áp những người biểu tình thì nay người biểu tình cũng vẫn bị cảnh sát đàn áp bằng bạo lực. Trong cuộc bầu cử quốc hội, phe Hồi giáo thắng đậm, ngược lại, lực lượng nòng cốt của phong trào nổi dậy chống độc tài như sinh viên, thanh niên, lực lượng cánh tả, lực lượng thế tục bị xem là thua đậm trong ván cờ chính trị thời kỳ hậu Mubarak.

Ai Cập một năm sau
Phụ nữ Ai Cập tham gia biểu tình nhằm phản đối chính phủ.

Bởi vậy, những hân hoan ban đầu về một cuộc nội dậy thành công cách đây một năm, giờ lại nhường cho tâm trạng chán chường khi một chính phủ dân sự chưa hình thành trong khi  bạo loạn ở Ai Cập ngày càng nghiêm trọng. Tâm trạng chán chường ấy như là mồi lửa dễ gây nên các đám cháy mà thảm kịch bạo lực sân cỏ ngày 1/2 làm 74 người chết, hơn 1000 người bị thương là một ví dụ. Đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình kéo dài và lan ra nhiều thành phố ở Ai Cập. Và những người biểu tình chẳng ai khác là những cổ động viên các câu lạc bộ bóng đá lớn của Thủ đô Cairo-những người đã từng đóng vai trò quan trọng trong làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak cách đây đúng một năm. Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) cho rằng tình trạng bạo lực trên là do "các thế lực trong và ngoài nước âm mưu phá hoại đất nước". Nhưng báo chí Ai Cập và không ít người lại nghĩ khác. Trên tờ Al-Shorouq, chuyên gia bình luận Wael Qandil nhận định về vụ bạo lực sân cỏ hôm 1/2 rằng: "Đó không phải là trận bóng giữa Al-Masry và Al-Ahly, mà là một trận đấu đá chính trị chống lại cách mạng". Trên tờ Al-Tahrir, chuyên gia bình luận Ibrahim Mansur viết: "Nhân dân Ai Cập đòi hội đồng quân sự phải từ chức vì đã không đảm bảo được an ninh". Thậm chí, nhiều cây bút bình luận khác cáo buộc "giới lãnh đạo quân sự hiện nay cố tình gây hỗn loạn để tiếp tục cầm quyền". Tình trạng bất ổn chính trị cũng như viễn cảnh tiêu cực có thể gây ra tình trạng suy thoái mới, là lý do để Standard & Poor’s ngày 10/2 vừa qua hạ bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Ai Cập từ B+ xuống B. Cũng theo S&P, lượng dự trữ ngoại tệ của Ai Cập đã giảm từ 36 tỉ USD xuống còn 16 tỉ USD chỉ trong vòng 1 năm qua do thu nhập từ ngành du lịch và đầu tư nước ngoài giảm mạnh.  

Kỷ niệm một năm ngày lật đổ chế độ cựu Tổng thống Hosni Mubarak, người dân Ai Cập từ công nhân đến sinh viên lại xuống đường. Họ thất vọng vì những diễn biến chính trị không như mong muốn. Họ đặt câu hỏi về tương lai của đất nước. Liệu quân đội có quyết tâm nhanh chóng rút lui khỏi chính trường hay không? Liệu phe Hồi giáo thắng thế sẽ thi hành những chính sách như thế nào, có chấp nhận hay không luật chơi dân chủ khi lên cầm quyền? Nếu không, “mùa xuân Arập” vẫn chỉ là dang dở./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác