Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng đất nước

(VOV5) - Ở Việt Nam, báo chí thật sự là diễn đàn và công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của các tầng lớp nhân dân.

Tại Việt Nam đang diễn ra nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015). Trong những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.


Trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ những người làm báo, số lượng công chúng, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính. Bên cạnh đó, sự tác động và ảnh hưởng xã hội tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông đều tăng nhanh. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các hội nghề nghiệp, các giới, các tôn giáo lớn, các thành phần trong xã hội đều có tờ báo của mình.

Báo chí là diễn đàn bảo vệ lợi ích và quyền tự do của nhân dân


Đến nay, cả nước có 812 cơ quan báo in với 1.084 ấn phẩm, trong đó 197 cơ quan có báo; 615 cơ quan có tạp chí. Toàn quốc có 67 đài phát thanh - truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 02 đài quốc gia, 01 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 Đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh, 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá. Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp. Hơn 19.000 hội viên, trong đó gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, luôn được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động tự do, sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật.


Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng đất nước - ảnh 1
Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo lão thành và các nhà báo dự buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ở Việt Nam, báo chí thật sự là diễn đàn và công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của các tầng lớp nhân dân. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí. Đồng thời, khi tham gia sinh hoạt, hoạt động ở các tổ chức, đoàn thể, họ có thêm các ấn phẩm báo chí của tổ chức, đoàn thể  đó nhằm đáp ứng mọi nhu cầu và bảo đảm quyền được thông tin của mình.

 Báo chí được tạo hành lang pháp lý để phát triển tự do        


Kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Nhà nước Việt Nam ngày càng coi trọng vấn đề tự do, công khai, minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các phương tiện truyền thông đại chúng hành nghề. Một trong những hoạt động được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao trong nhiều năm qua là các đài phát thanh, truyền hình thường xuyên truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn của đại biểu Quốc hội dành cho các thành viên Chính phủ, kể cả Thủ tướng Chính phủ. Các kỳ họp chuyên đề của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cuộc trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng được tường thuật trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam  (khoá XI), tất cả các Bộ trưởng đều nghiêm túc tham gia diễn đàn “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng đất nước - ảnh 2
Sinh viên báo chí đang thực tập - Ảnh: xnet.vn

Đáp ứng đòi hỏi mới của nhân dân về tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành Quy chế chi tiết về cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của pháp luật và hoạt động báo chí hiện hành. Theo đó, Văn phòng Chính phủ tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ một tháng một lần về hoạt động, chỉ đạo công tác điều hành của Chính phủ. Các cơ quan Bộ, ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình theo từng tháng và tổ chức họp báo ít nhất ba tháng một lần. Các cơ quan này cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời về những điều quan tâm, bức xúc của nhân dân và trả lời nhân dân thông qua chuyên mục “Ý kiến độc giả” hoặc “Ý kiến thính giả” của nhiều báo, đài.

 Với vai trò phản ánh và tham gia phản biện xã hội, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng trở thành kênh thông tin quan trọng để các cơ quan chức năng tham khảo nhằm bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sao cho phù hợp hơn cuộc sống nhân dân. Cùng với việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, báo chí cũng tích cực tham gia đấu tranh có hiệu quả trong công tác chống tham nhũng,  Thực tiễn phát triển 90 năm qua cho thấy báo chí Việt Nam đã được tạo khuôn khổ pháp lý để hoạt động tự do, ngày càng đạt được những thành tựu lớn và đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.

 


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác