Bước lùi trong quan hệ Nga - EU
Hồng Vân -  
(VOV5) - Tiếp sau quyết định của Mỹ, ngày 25/7, Liên minh châu Âu gồm 28 thành viên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Dự kiến văn bản cuối cùng sẽ được thông qua ngay trong tuần này. Phương Tây cho rằng gia tăng trừng phạt là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo cái gọi là ổn định và hòa bình trong khu vực, để cảnh cáo các hành vi được cho là can thiệp vào Ukraine của Nga, tuy nhiên cái giá mà EU phải trả cũng sẽ là không nhỏ.
|
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hôm 2-7 đã ký một số thỏa thuận với ông Yevgeni Shevchuk, lãnh đạo Transdniestria dù cho đến thời điểm hiện tại không quốc gia nào công nhận Transdniestria là một nhà nước độc lập. Ảnh: RFERL |
Thỏa thuận trừng phạt sơ bộ của EU nhằm vào nền kinh tế Nga được đưa ra sau vụ máy bay số hiệu MH17 của Malaysia bị bắn rơi ngày 17/7 tại miền Đông Ukraine do lực lượng li khai thân Nga kiểm soát. Quyết định này khiến quan hệ vốn đã rạn nứt giữa phương Tây và Nga kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3, trở nên trầm trọng hơn.
Trừng phạt những lĩnh vực nòng cốt của nền kinh tế ngoại trừ khí đốt
Các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga được EU giao cho Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, xây dựng. Ủy ban này đã đề xuất 4 nội dung trừng phạt chính, đó là đóng cửa thị trường EU đối với các ngân hàng nhà nước của Nga, cấm vận buôn bán vũ khí với Moscow, hạn chế bán năng lượng và các công nghệ phục vụ cả mục đích dân sự - quân sự. Tuy nhiên lệnh trừng phạt được cho là sẽ không áp đặt trong lĩnh vực công nghệ khí đốt tối quan trọng của Nga cũng như không ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp dầu khí và các mặt hàng khác từ phía Nga.
Khẳng định thông tin này, ngày 28/7, Nhà Trắng ra thông báo cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nhằm mục tiêu vào các khu vực nòng cốt trong nền kinh tế. Trong khi đó, một người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron xác nhận phương Tây đã nhất trí rằng EU nên khởi động gói biện pháp trừng phạt cứng rắn theo khu vực càng nhanh càng tốt. Lý do là Nga đã không gây sức ép hiệu quả với các tay súng ở miền Đông Ukraine để đưa họ đến bàn thương lượng, hoặc không có biện pháp cụ thể để kiểm soát biên giới giữa Nga và Ukraine.
Không chỉ đẩy nhanh việc áp dụng bổ sung các biện pháp trừng phạt về kinh tế, EU cũng đã áp đặt bổ sung lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào EU đối với một số quan chức hàng đầu của Nga, trong đó có Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang (FSB) Alexander Bortnikov và Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại, ông Mikhail Fradkov. Đây là hai nhân vật nằm trong số 15 người Nga và Ukraine cùng 18 công ty và tổ chức bị nêu tên trong danh sách trừng phạt mở rộng mới nhất của EU.
Lợi bất cập hại
Thắt chặt trừng phạt sẽ làm tổn hại kinh tế Nga nhưng phương Tây cũng sẽ bị liên đới. Các nhà kinh tế cho rằng nếu thực sự muốn trừng phạt kinh tế Nga, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải chấp nhận đánh đổi ít nhất vài phần trăm tăng trưởng GDP toàn khối. Theo Chủ tịch Uỷ ban quan hệ kinh tế với Đông Âu của Đức, Eckhard Cordes, việc tăng cường các biện pháp trừng phạt sẽ khiến cái giá mà EU phải trả cho xung đột này tăng lên. Hiện EU xuất khẩu hơn 100 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Nga mỗi năm, riêng năm 2013 là 161 tỷ. Tuy nhiên con số này chắc chắn sẽ giảm xuống trong thời gian tới khi một số nước trong EU thiệt hại nhiều khi cấm vận Nga. Đơn cử như Đức, nền kinh tế đầu tàu của châu ÂU, sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất khi quan hệ EU và Nga xấu đi. Hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp Đức đang hoạt động ở Nga, đầu tư hàng tỷ USD. Việc làm của 300 nghìn người Đức phụ thuộc vào việc trao đổi thương mại với Nga. Đức xuất khẩu 36 tỷ euro hàng hóa sang Nga năm 2013, nhưng xuất khẩu đã giảm 14% trong bốn tháng đầu năm 2014. Các tổ chức doanh nghiệp cảnh báo đời sống của 25.000 công nhân Đức đang bị đe dọa vì sự giảm sút này. Pháp hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Nga. Hợp đồng bán hai tàu chiến Mistral trị giá hàng tỷ euro cho Nga đồng nghĩa với việc 1.000 người Pháp có công ăn việc làm. Nếu EU trừng phạt các ngân hàng nhà nước Nga, trung tâm tài chính London sẽ đánh mất nguồn vốn quan trọng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các lệnh trừng phạt bổ sung là bằng chứng rõ ràng cho thấy các nước thành viên EU đã và đang thực hiện cắt giảm toàn diện quan hệ hợp tác với Nga trong các vấn đề an ninh quốc tế và khu vực. Tuy nhiên Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga sẽ không đạt được mục đích và chỉ khiến Moscow trở nên độc lập hơn về mặt kinh tế. Ngoại trưởng Nga cũng nêu rõ Moscow sẽ không thực hiện các biện pháp trả đũa hay hành động một cách bồng bột để đối phó trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế từng nhiều lần xảy ra trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, dù trừng phạt ở bất kỳ cấp độ nào cũng khiến cả hai bên thiệt hại. Trong trường hợp này, hành động gia tăng trừng phạt Nga của EU đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Nga tuột dốc không phanh./.
Hồng Vân