(VOV5) - Căng thẳng giữa Sudan và Nam Sudan đang ngày một leo thang, khiến dư luận quốc tế lo ngại, nếu những mâu thuẫn, tranh chấp không có biện pháp hóa giải hữu hiệu, sẽ đẩy hai quốc gia láng giềng này vào một cuộc chiến sâu rộng.
Trong một diễn biến mới, ngày 11/4, Sudan đã ngừng tất cả các cuộc đàm phán với Nam Sudan về việc chấm dứt sự tranh cãi về các khoản thành toán tiền dầu cùng các tranh chấp khác sau khi giao tranh lại nổ ra ở khu vực biên giới sản xuất dầu lửa. Trong thông báo phát đi, Khartoum cho biết sẽ lập tức rút phái đoàn đàm phán của mình khỏi cuộc đàm phán do Liên minh châu Phi (AU) bảo trợ ở thủ đô Addis Abeba của Ethiopia và ra lệnh tổng động viên quân đội.
Trước đó, ngày 10/4, các binh sĩ Quân Giải phóng nhân dân Sudan (Nam Sudan) đã tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào mỏ dầu Heglig, mỏ dầu lớn nhất ở Sudan, nơi có 115.000 thùng dầu khai thác mỗi ngày, chiếm sản lượng khoảng 50%, với lý do hành động tự vệ. Theo tố cáo của chính quyền Juba, lực lượng quân đội Sudan đã sử dụng máy bay chiến đấu và trọng pháo tấn công vào thị trấn Tashwin ở khu vực biên giới sản xuất dầu gây tranh cãi này. Hồi đầu tháng 4 này, Nam Sudan đã cáo buộc phía Sudan tiếp tục ném bom tại khu vực biên giới tranh chấp, đồng thời thông báo bắn hạ một máy bay chiến đấu của Sudan ném bom xuống khu vực nhiều dầu mỏ ở biên giới giữa hai nước. Dư luận cho rằng, chính những vi phạm này đã làm đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên đã ký hồi tháng 2 vừa qua. Thêm vào đó, nó đã "dội gáo nước lạnh" vào nỗ lực của cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, người đứng đầu nhóm hòa giải của Liên minh châu Phi (AU). Trước đó, sau khi kế hoạch đàm phán song phương giữa Sudan và Nam Sudan, tại thủ đô Adis Ababa của Ethiopia, bị đổ vỡ, phái đoàn trung gian hòa giải của AU đã có cuộc gặp với Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Tổng thống Sudan Omar al-Bashir để thảo luận về các biện pháp có thể thực hiện trong thời gian tới để làm dịu tình hình. Nỗ lực ngoại giao con thoi này đã đạt được kết quả với việc nối lại các cuộc gặp cấp cao. Tuy nhiên, xung đột bùng phát đã phủ bóng đen lên hy vọng hòa bình, tìm kiếm giải pháp hóa giải mâu thuẫn giữa hai nước. AU đã đưa ra một đề xuất mới liên quan các lĩnh vực chính trị, quân sự, an ninh, truyền thông, nhưng cần nghiên cứu và tham vấn toàn diện để bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên hữu quan. Trong khi đó, nhà thương lượng chính của Nam Sudan, ông Pagan Amum cho rằng hai nước dường như không sẵn sàng cho cuộc đàm phán này, đồng thời chỉ trích phái đoàn Sudan rút khỏi cuộc thương lượng và không muốn ký hiệp định chính thức với đoàn Nam Sudan.
Thực tế, từ khi Nam Sudan tách khỏi Sudan và tuyên bố độc lập vào tháng 7-2011 đến nay, hai nước vẫn thường xuyên bất đồng, trong đó mâu thuẫn lớn nhất là về phân chia biên giới cũng như các quyền lợi về dầu mỏ. Theo tính toán, trữ lượng dầu mỏ của Sudan ước tính khoảng 6,7 tỷ thùng/năm (lớn thứ 3 ở châu Phi), trong đó nguồn lợi dầu mỏ chiếm tới 68% thu ngân sách của miền Bắc và 98% của miền Nam. Tuy miền Nam có nhiều dầu mỏ lớn nhưng miền Bắc lại kiểm soát đường ống dẫn dầu độc nhất cho phép chuyển dầu thô xuất khẩu đi các nước qua biển Đỏ. Theo hiệp định hòa bình chấm dứt nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc (ký năm 2005), nguồn lợi dầu mỏ được chia với tỷ lệ 50-50. Tuy nhiên, kể từ khi tách ra độc lập, các quan chức miền Nam muốn thay thế cách phân chia này bằng trả phí trung chuyển cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng ở miền Bắc. Để tránh phụ thuộc cơ sở hạ tầng ở miền Bắc, miền Nam đã xem xét xây dựng một đường ống xuất khẩu dầu thay thế tới thành phố biển Mombasa của Kenya. Nguy cơ mất hàng tỷ đô la (USD) mỗi năm từ nguồn thu dầu mỏ khiến Sudan vốn phụ thuộc các mỏ dầu ở miền Nam không dễ dàng chấp nhận.
Thời gian gần đây, các bang nằm trên đường biên giới như Kordofan, Blue Nile, Unity... là nơi thường xảy ra giao tranh giữa quân đội Sudan với các nhóm được Nam Sudan hậu thuẫn. Quân đội hai nước đã sử dụng máy bay, xe tăng và pháo hạng nặng trong các cuộc đụng độ. Sự gia tăng căng thẳng đã khiến dư luận quốc tế thực sự lo ngại. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phải lên tiếng yêu cầu hai nước rút quân đội và cảnh sát khỏi khu vực tranh chấp. Mỹ cũng kêu gọi hai nước kiềm chế và ngừng giao tranh để bảo đảm sự an toàn và an ninh cho người dân hai nước. Trong một động thái mới, hồi đầu tháng 4 này, Washington đã quyết định viện trợ 26 triệu USD cho hơn 140.000 người tị nạn trốn chạy khỏi các cuộc xung đột tại hai bang Nam Kordofan và Blue Nile của Sudan...
Hiện tại, hai quốc gia láng giềng này chưa thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết bất đồng, cần có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Dư luận lo ngại, nếu xung đột tiếp tục lan rộng, chẳng những Sudan và Nam Sudan không thu được nguồn lợi từ dầu mỏ mà còn khiến tình hình rơi vào bế tắc, đẩy nền kinh tế của hai nước tụt dốc, tác động trực tiếp đến đời sống người dân nơi đây./.