Chi viện chiến trường thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước

(VOV5) - Đường Hồ Chí Minh, hay còn gọi là đường Trường Sơn, được bắt đầu xây dựng vào năm 1959 với mục đích tiếp tục chi viện cho miền Nam, trong bối cảnh đất nước Việt Nam bị chia cắt 2 miền. Trong 16 năm, đường Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố có ý nghĩa chiến lược quyết định sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Con đường ấy đã trở thành một huyền thoại, là biểu tượng của ý chí giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam; đồng thời là biểu tượng của tình đoàn kết, chiến đấu chống kẻ thù chung của 3 dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chi viện chiến trường thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước - ảnh 1
Ảnh tư liệu

Đường Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia. Hệ thống này cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho Quân giải phóng miền Nam và Quaan đội Nhân dân Việt Nam trong hơn 16 năm (1959 - 1975) của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam. Hệ thống đường này được đặt tên là Đường Trường Sơn, lấy tên của dãy Trường Sơn - dãy núi chạy dọc miền Trung Việt Nam, nơi hệ thống này đi qua. Về sau, hệ thống này có thêm tên gọi Đường mòn Hồ Chí Minh, đi qua nhiều tỉnh ở Việt Nam.

 

Khó khăn, gian khổ để làm nên con đường huyền thoại

Ngày 19/05/1959, quân ủy trung ương quyết định tổ chức đoàn 559, tiền thân của Binh đoàn 12 - bộ đội Trường Sơn, làm đơn vị vận tải mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội Trường Sơn đã đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá, xây dựng mạng đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn km. Cũng trên những cung đường này, bộ đội Trường Sơn với các binh chủng hợp thành đã bắn cháy và bắn rơi hơn 2.400 máy bay Mỹ. Đại tá Lê Kim Thơ, nguyên sỹ quan thuộc Bộ Tư lệnh đoàn 559, cho biết:Có thể nói từng ngày, từng giờ, từng phút bom đạn liên tục, không có một giờ phút nào là vắng tiếng bom đạn và máy bay. Chiến sĩ, đồng đội cũng hi sinh rất nhiều. Dù bom đạn, máy bay nhưng anh em vẫn ra đường, vẫn làm nhiệm vụ khắc phục, tranh thủ thời cơ lúc nào vắng thì ra tập trung để làm và quyết tâm vì miền Nam ruột thịt, giải phóng miền Nam.

 

Suốt hơn 16 năm chiến đấu ác liệt, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn thuộc tất cả các lực lượng công binh, vận tải, pháo phòng không, bộ binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, cũng như đội ngũ làm công tác báo chí, văn hóa, nghệ thuật… đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành con đường huyền thoại.

 

Đường Hồ Chí Minh góp phần làm nên chiến thắng lịch sử

Tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được hình thành đã phát huy được tối đa vai trò đối với các chiến trường ở Đông Dương, không chỉ có Việt Nam mà với cả cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Thiếu tướng Đỗ Giang Nam, Tư lệnh binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết: Chính nhờ có tuyến chi viện Trường Sơn này mà chúng ta đã vận chuyển được hơn 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược thiết bị và hơn 2 triệu lượt người vào ra các chiến trường. Cũng nhờ tuyến đường này thì quân đội Việt Nam đã thực hiện được các cuộc hành quân lớn cùng với các lực lượng thiết bị xe tăng, các pháo hạng nặng để đưa vào chiến trường miền Nam. Điều này đã làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện của chiến trường, góp phần quan trọng vào việc giành thắng lợi với những điểm mốc quan trọng, đặc biệt là đỉnh cao thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

 

Con đường góp phần xây dựng và phát triển đất nước

Chiến tranh đã đi qua, con đường Hồ Chí Minh năm nào giờ đã có những đổi khác. Nếu như cách đây 55 năm, đây là tuyến đường chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam, thì ngày nay, nó đã trở thành một trong những cung đường quan trọng, vận chuyển hàng hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các địa phương dọc tuyến đường. Thiếu tướng Đỗ Giang Nam, Tư lệnh binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết:Ngày nay, trong thời bình, đường Trường Sơn đang được Đảng, Nhà nước đầu tư rất lớn, là công trình xuyên suốt chiều dài đất nước, là con đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Con đường chạy đến đâu sẽ khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế xã hội đến đó, đồng thời con đường cũng phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 1. Tầm vóc con đường sẽ tạo điều kiện đưa kinh tế đất nước phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, dọc theo tuyến đường Trường Sơn, góp phần giữ vững đảm bảo an ninh quốc phòng.

 

Phát huy những lợi thế, tiềm năng của tuyến đường giao thông quan trọng cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước đề ra trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, khẳng định: Chúng ta phải phát huy tinh thần độc lập dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và chúng ta sẽ mở các tuyến đường dọc tuyến đường Trường Sơn năm xưa trở thành một mạng giao thông hoàn chỉnh để bảo đảm phát triển kinh tế xã hội trên hướng phía Tây của đất nước, bảo đảm xóa đói giảm nghèo , phát triển kinh tế hàng hóa, bảo đảm thế trận quốc phòng an ninh của đất nước, bảo vệ vững chắc biên giới phía Tây của đất nước, để từ Bắc vào Nam phát triển kinh tế xã hội của đất nước.      

Chi viện chiến trường thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước - ảnh 2

Từ một con đường mòn được tạo ra bằng cách xẻ núi, băng rừng, để quân dân miền Bắc vận chuyển hàng hóa, vũ khí, sức người phục vụ chiến trường miền Nam. Đường Trường Sơn hôm nay với những trục tuyến chính song song với Quốc lộ 1A, không chỉ là huyết mạch giao thông góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội; mà còn là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi ghi dấu ý chí đấu tranh giành độc lập hào hùng một thuở: "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của dân tộc Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác