Chính phủ kiên định mục tiêu lớn đã đề ra

(VOV5) - Dưới sự điều hành của Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng nhích lên qua từng tháng. Việc triển khai tái cơ cấu kinh tế có kết quả ở một số mặt. An sinh xã hội vẫn được tăng cường trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Trên đà thuận lợi đó, tại phiên họp thường kỳ ngày 26/5, Chính phủ khẳng định quyết tâm sẽ kiên định các mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý.

Chính phủ kiên định mục tiêu lớn đã đề ra - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2013. (Ảnh: TXVN)

Các số liệu thống kê cho thấy tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm diễn biến đúng như dự kiến điều hành, bám sát mục tiêu Trung ương và Quốc hội đề ra cho năm 2013 là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý. Riêng trong tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, giải quyết được nhiều vấn đề. Tình hình kinh tế vĩ mô đã tốt lên, biểu hiện ở một số lĩnh vực như chỉ số hàng tồn kho giảm rõ rệt, giải ngân ODA tăng rất tốt so với năm ngoái, tỷ giá ổn định. Xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái với gần 50 tỷ USD.

Chính phủ kiên định mục tiêu lớn đã đề ra - ảnh 2
Xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ nhận định nền kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng đều gặp khó khăn, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay chậm được thu hẹp, lãi suất cho vay vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Đề cập tiến độ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, yếu tố quan trọng để kích cầu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: 
“Chúng tôi đang tích cực để gắn tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia mà Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Đây là cách đi rất đúng hướng để khắc phục lệch pha cung cầu, cân đối cung cầu và đáp ứng để người dân có nhà ở. Hiện nay có 56 dự án đã chuyển đổi từ dự án nhà thương mại sang làm nhà ở xã hội, nhiều dự án đã khởi công. Ngoài việc cấu trúc lại dự án của các địa phương, cùng với Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư triển khai gói 30 nghìn tỷ để người nghèo vay mua nhà, thuê mua nhà, trong điều kiện hiện nay gói này góp phần tăng cầu của nền kinh tế”.

Chính phủ kiên định mục tiêu lớn đã đề ra - ảnh 3
Quốc lộ 1A được đầu tư xây dựng

Để nâng tổng cầu cho nền kinh tế nhằm phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm trong bối cảnh tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng ngân sách giảm xuống chưa đầy 19% (những năm trước, tỷ lệ này vào khoảng 30-40%),  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: 
“Từ kỳ họp tháng 4, Chính phủ đã bàn và kỳ họp này, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ trưởng liên quan đề xuất và đồng ý phương án báo cáo, trình Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện xây dựng Quốc lộ 1A, thực hiện các dự án trên Quốc lộ 1A và các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên. Chính phủ cũng đang xem xét bằng nhiều nguồn vốn để làm thêm một số công trình, không chỉ hoàn thiện hạ tầng cơ bản của đất nước, mà còn đáp ứng yêu cầu rất bức xúc của xã hội, ví dụ như một số bệnh viện lớn hay hồ thủy lợi, thủy điện, giải quyết vấn đề tưới tiêu cho nhân dân, kết hợp với giải quyết vấn đề nước để phát triển công nghiệp”.

Cùng với các giải pháp trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành ổn định giá cả và tỷ giá, giảm chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay; tăng dư nợ tín dụng theo hướng rải đều và giảm lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên, nhất là hướng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dành ưu tiên vốn cho sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp có nhu cầu trên thị trường, đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác