Chính trường Nhật Bản lại nổi sóng

(VOV5) - Sóng gió mới lại nổi lên đối với chính trường đất nước Mặt trời mọc. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trì trệ, căng thẳng liên quan đến lãnh thổ chưa có dấu hiệu lắng dịu thì quyết định mới đây của Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ giải tán quốc hội sớm nhất là vào ngày 16/11 và cuộc tổng tuyển cử có khả năng diễn ra vào tháng 12 tới, đã và đang đẩy quốc gia này thêm những khó khăn mới. Dư luận cho rằng, động thái này đã là điều cảnh báo về sự xuất hiện "cơn sóng ngầm" trên chính trường Nhật Bản với nhiều khả năng khiến ông Y. Noda có thể bị loại khỏi vị trí hiện nay.



Chính trường Nhật Bản lại nổi sóng - ảnh 1

Thủ tướng Noda quyết định sẽ giải tán quốc hội sớm nhất là ngày 16/11. Ảnh: Internet.


Ngày 13/11 Thủ tướng Yoshihiko Noda đã quyết định giải tán quốc hội sớm nhất là vào ngày 16/11 và cuộc tổng tuyển cử có khả năng diễn ra vào tháng 12 tới. Các hãng truyền thông lớn ở Nhật Bản đồng loạt đưa tin Thủ tướng Y. Noda cho biết sẽ tiến hành tổng tuyển cử sớm nhất vào ngày 16/12 hoặc muộn nhất vào ngày 20/1/2013 và dự kiến tiến hành bầu cử vào ngày 9/12. Trước đó, ông Y. Noda đã từ chối thảo luận về thời điểm tổ chức bầu cử khi tham gia phiên họp quốc hội. Như vậy là ông Noda sẽ không chờ đến đúng hạn tháng 9/2013 mới cho bầu lại Hạ viện nhiệm kỳ 2009-2013. Giới phân tích đưa ra nhận xét, với quyết định này, ông Y. Noda sẽ đối mặt với tình thế khó khăn trong việc đưa đảng Dân chủ (DPJ) giành lại chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới bởi dư luận Nhật Bản đang đầy thất vọng với thành tích kém cỏi của DPJ trong 3 năm qua kể từ khi đảng này nắm quyền, chấm dứt giai đoạn dài kiểm soát chính trường của đảng Dân chủ tự do (LDP).

Ngay sau quyết định này, nhiều nghị sĩ đảng DPJ cầm quyền đã phản đối kế hoạch giải tán Hạ viện. Trong động thái mới nhất, với quan điểm, khi Hạ viện bị giải tán, đảng DPJ sẽ không thể giữ được chính quyền vì tỷ lệ ủng hộ nội các đang giảm mạnh, bởi vậy, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Yoshikatsu Nakayama đã kêu gọi Thủ tướng Y. Noda từ chức nếu tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Trong khi đó, chiều 13/11, Tổng Thư ký DPJ Azuma Koshiishi cũng đã chuyển tới Thủ tướng Y. Noda quyết định phản đối mạnh mẽ của Ban cán sự đảng chống lại ý định giải tán Hạ viện của ông.



Chính trường Nhật Bản lại nổi sóng - ảnh 2


Thực tế, để đưa ra quyết định này, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đã đứng trước nhiều sự lựa chọn. Ông Y. Noda từng nói sẽ ra quyết định “thích hợp khi có những điều kiện thỏa đáng”. Do đó, việc lựa chọn thời điểm đưa ra tuyên bố cũng mang nhiều lý do. Theo giới quan sát, bối cảnh hiện nay, việc ông Y. Noda tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện cũng nhằm tránh nguy cơ nội các hiện nay phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm theo đề xuất của phe đối lập. Vị thủ tướng này lo ngại nếu không vượt qua cuộc bỏ phiếu, nội các hiện nay của ông sẽ buộc phải từ chức và không thông qua được luật tăng gấp đôi thuế tiêu dùng lên mức 10%. Trước đó, trong phần trả lời chất vấn tại thượng viện (do phe đối lập kiểm soát), Thủ tướng Y. Noda nói rằng, nội các từ chức đồng nghĩa với việc ông “rũ bỏ trách nhiệm của một thủ tướng”. Ông đề nghị các thượng nghị sĩ hợp tác thông qua các dự luật chủ chốt trong phiên họp quốc hội bất thường hiện nay (dự kiến kết thúc ngày 30/11). Ông Y. Noda cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu giảm tốc do đồng yên tăng giá, trong khi kinh tế thế giới đình trệ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Tuy nhiên, sau quyết định, khó khăn mà vị thủ tướng này đương đầu không hề nhỏ. Bởi hiện nay, nhiều nghị sĩ DPJ vẫn chống lại việc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, cùng với đó tỷ lệ ủng hộ dành cho chính phủ Nhật Bản tụt xuống mức dưới 20%, một phần do đề xuất tăng thuế của ông Y. Noda. Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 13/11 của tờ "Asahi", tỷ lệ không ủng hộ nội các của Thủ tướng Noda đã tăng từ 59% trong tháng trước lên đến 64%, mức cao nhất kể từ khi ông lên nắm quyền tháng 9/2011. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ chỉ ở con số khiêm tốn là 18%.

Chính trường Nhật Bản lại nổi sóng - ảnh 3


Rõ ràng, nguy cơ ông Y. Noda không giành được số phiếu tín nhiệm trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới rất có thể xảy ra. Đây không phải là lần đầu tiên chính trường Nhật Bản có sự xáo trộn. Thực tế trong vòng 5 năm qua, các vấn đề liên quan đến thuế hay tăng ngân sách bổ sung để tái thiết đất nước đã và đang trở thành nguyên nhân khiến các Thủ tướng Nhật Bản phải sớm từ bỏ quyền lực. Hồi tháng 8/2011, cựu Thủ tướng Naoto Kan đã đưa ra cam kết từ chức để mở đường cho việc Quốc hội phê chuẩn 3 dự thảo luật quan trọng mà ông ủng hộ. Nếu đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda không đủ bản lĩnh để vượt qua được giai đoạn khó khăn này, nhiều khả năng chính trường Nhật Bản sẽ đón chào vị Thủ tướng thứ 7 trong vòng hơn 5 năm. Và nếu như vậy, dư luận lo ngại về vị trí và mức độ ảnh hưởng của đất nước Mặt trời mọc này trên bàn cờ chính trị - kinh tế thế giới. Chính từ những xáo trộn thường xuyên ở vị trí lãnh đạo cấp cao này đã dẫn tới mức độ sụt giảm ảnh hưởng của Nhật Bản trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác