(VOV5)- Văn hoá được coi là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Điều này càng được chú trọng trên thực tế kể từ khi Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 11 tiếp tục khẳng định "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ thúc đẩy Việt Nam tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.Trong đó, đối tượng hợp tác, phương thức hợp tác, mức độ hợp tác về văn hóa của Việt Nam đối với các quốc gia khác trở nên đa dạng, linh hoạt và thực chất hơn.
Sôi động các hoạt động giao lưu văn hóa
Những ngày tháng 3-2014, trong một khuôn viên rộng chừng 50 m2 tại Gieneva, Thụy Sỹ, Ban chỉ đạo quốc gia của Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới 132 (do Việt Nam đăng cai), đã tổ chức một “Không gian văn hóa Việt Nam” để quảng bá về đất nước con người Việt Nam thông qua một triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ và hoạt động văn hóa nghệ thuật.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các nghị sĩ dự Đại hội đồng IPU 130 tham quan Không gian văn hóa Việt tại Trung tâm hội nghị quốc tế Geneva |
Phụ trách không gian văn hóa Việt Nam tại Gieneva, chị Trần Kim Chi, thuộc tiểu ban tuyên truyền của Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới 132, cho biết: Chúng tôi chia ra thành các mục như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sơn mài, mây tre đan, sản phẩm thêu tay. Ngoài ra còn có các tranh gỗ giới thiệu các làng nghề của Việt Nam, các nét đặc trưng của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ là chú Tễu xúc tép thì cũng được đưa đến đây để trưng bày. Một điểm nhấn của không gian văn hóa Việt Nam này chính là những sản phẩm sơn mài với tất cả các nét nghệ thuật từ truyền thống cho đến hiện đại. Bên cạnh đó, với các ấn phẩm du lịch thì chúng tôi cũng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam với những bức tranh phong cảnh nổi tiếng…
Không lâu sau đó, ngày 9-7-2014 tại Bảo tàng quốc gia nghệ thuật châu Á Guimet (Paris, Pháp) diễn ra triển lãm trưng bày hơn 80 hiện vật về hình ảnh con rồng trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết: Lần đầu tiên, những tác phẩm nghệ thuật cung đình, độc đáo mang hình tượng rồng, ý niệm về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam, chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật truyền thống và giá trị lịch sử đặc sắc được giới thiệu với công chúng Pháp và bè bạn trên thế giới. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Cộng hòa Pháp. Trưng bày này sẽ đem đến cho công chúng Pháp và bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước và con người Việt Nam.
Hai sự kiện nói trên chỉ là ít trong số các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia do Nhà nước đứng ra tổ chức, triển khai tại nước ngoài. Những hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa này góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu quốc gia Việt Nam; bảo tồn giá trị văn hóa và khẳng định dòng chảy của văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Hợp tác, giao lưu văn hóa đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập
Trên thực tế, hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài tác động tích cực đến đường lối chính trị đối ngoại, hợp tác quốc tế của đất nước. Các hoạt động văn hóa Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có ý nghĩa trực tiếp đối với những người Việt Nam ở xa Tổ quốc, mà còn là một kênh thông tin quảng bá, làm lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Giao lưu, hợp tác văn hóa cũng chính là quá trình tiếp xúc, trao đổi, tiếp biến, dung nạp, nâng cao... các giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa, trình độ sáng tạo, mức độ thụ hưởng đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Từ đó, tăng cường sự hiểu biết của những nền văn hóa với những đặc thù văn hóa Việt Nam riêng; khẳng định sự độc đáo của văn hóa Việt Nam trong môi trường, quy mô văn hóa rộng hơn, mang tính nhân loại, quốc tế. Từ sự giao lưu, tương tác văn hóa này, vị thế đất nước Việt Nam được nâng cao. Điển hình cho sự thành công này là năm 2013, Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Di sản thế giới của Liên hiệp quốc (UNESCO). Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Đến bây giờ thì Việt Nam là quốc gia được bạn bè quốc tế đánh giá rất hiệu quả trong các hoạt động của UNESCO như đóng niên liễm, tham vấn, hợp tác, tổ chức các hoạt động văn hóa, hội nghị của UNESCO. Tôi cho là vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố trên trường quốc tế dẫn đến việc tiếng nói của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, trong đó có UNESCO ngày càng có ý nghĩa hơn.
Giao lưu văn hóa góp phần duy trì giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; trở thành thành tố nổi bật trong ngoại giao văn hóa và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hoá giúp đạt các mục tiêu mà chính sách văn hoá mà Việt Nam đã đặt ra, đó là tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hoá truyền thống của đất nước. Hợp tác về văn hoá còn là nền tảng để mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.Thông qua các hoạt động văn hoá đối ngoại, bạn bè thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế./.