Chuyến thăm nâng tầm quan hệ song phương Việt Nam- Belarus

(VOV5) - Chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Belarus A.G Lukashenko nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Belarus.


Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Grigorievich Lukashenko đang có chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam trong hai ngày 8-9/12/2015. Chuyến thăm là sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Belarus nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực.

Chuyến thăm nâng tầm quan hệ song phương Việt Nam- Belarus    - ảnh 1
Tổng thống Cộng hòa Belarus Lukashenko và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Belarus của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2014 (Ảnh: Vietnam+)

Việt Nam và Belarus thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/1/1992. Năm 1998, Belarus lập Đại sứ quán tại Việt Nam. Tháng 10/2003, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Belarus và cử Đại sứ thường trú đầu tiên đến nước này vào tháng 3/2005.

Quan hệ chính trị tốt đẹp

Kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt có từ thời Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay), quan hệ giữa Việt Nam và Belarus đang phát triển ngày càng tốt đẹp. Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bởi các chyến thăm cấp cao mà gần đây nhất là chuyến thăm Belarus của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2014, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 5/2013. Tổng thống Belarus cũng đã tới thăm chính thức Việt Nam trong các năm 1997 và 2008. Chủ tịch Hạ viện Belarus cũng đã thực hiện chuyến thăm Việt Nam trong năm 2010. Việt Nam và Belarus đã ký nhiều Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, ngoại giao, giáo dục, hàng không, nông nghiệp, ngân hàng, hợp tác giữa các địa phương. Belarus coi trọng quan hệ và vị thế của Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác tin cậy của Belarus trên thương trường quốc tế. Hai nước phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế.

Hợp tác kinh tế thương mại không ngừng được mở rộng

Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Belarus đạt gần 211 triệu  USD. Năm 2014, con số này là hơn 107 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại song phương là 95,8 triệu USD. Việt Nam xuất sang Belarus thủy, hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt tiêu, gia vị, chè. Belarus xuất sang Việt Nam phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy kéo, hóa chất...

Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan đã tiến hành 8 vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do. Ngày 15/12/2014, tại Việt Nam, hai bên đã tổ chức lễ tuyên bố về việc kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do. Tháng 5/2015, Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á- Âu ký chính thức Hiệp định thương mại tự do này.

Giáo dục đào tạo cũng là lĩnh vực hợp tác cơ bản giữa Việt Nam và Belarus. Belarus giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Hiện nay có khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Belarus.

Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước được duy trì và phát triển trong nhiều năm nay. Các tổ chức khoa học và công nghệ hai nước triển khai nhiều dự án hợp tác và đạt kết quả tốt. Ủy ban hợp tác về khoa học và kỹ thuật Việt Nam- Belarus đã tiến hành được 8 khóa họp.

Hợp tác lao động là hướng hợp tác mới giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty xây dựng của Belarus đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại công trình xây dựng khu thể thao giải trí tại thủ đô Minsk. Hiệp định liên Chính phủ về làm việc có thời hạn của công dân hai nước trên lãnh thổ của nhau được ký năm 2011 và có hiệu lực từ ngày 6/6/2013.

Triển vọng thúc đẩy quan hệ song phương

Chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Belarus A.G Lukashenko nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Belarus, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước, duy trì trao đổi đoàn cấp cao nhằm củng cố quan hệ chính trị tin cậy giữa lãnh đạo hai nước. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế- thương mại sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á- Âu có hiệu lực.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác