(VOV5) - Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP-19) đang diễn ra tại thủ đô Warsaw của Ba Lan. Diễn ra trong 12 ngày, COP-19 kỳ vọng sẽ đạt được bước tiến mới khi thảo luận về Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại Warsaw, dư luận khó có thể mong chờ một cái kết có hậu.
Tại COP-17 ở Durban, Nam Phi năm 2011, các nước đã đi đến thống nhất thời kỳ cam kết tiếp theo của Nghị định thư Kyoto là từ 2013-2015 và đồng ý đàm phán một thỏa thuận mới, dự kiến xong năm 2015 và áp dụng từ năm 2020 cho tất cả các nước. Do vậy, nội dung của COP-19 lần này được đánh giá là đặc biệt quan trọng bởi năm 2013 là mốc khởi điểm cho việc thực hiện Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2. Bên cạnh đó, năm 2013 còn là năm thứ 2 các nước bước vào thảo luận khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới dự kiến hoàn thành năm 2015.
|
Hoang tàn, đổ nát là những gì còn lại ở Philippines sau khi siêu bão Haiyan đi qua. |
Trở ngại từ bảo vệ lợi ích riêng…
Có thể dễ dàng nhận thấy các kỳ Hội nghị COP trước đây đều diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi các quốc gia quyết liệt bảo vệ lợi ích riêng của mình và không thể đạt được tiếng nói chung trong vấn đề cắt giảm khí phát thải. Tuy nhiên, Hội nghị COP-19 lần này diễn ra đúng vào thời điểm siêu bão Haiyan vừa quét qua Philippines và để lại hậu quả vô cùng tàn khốc, đã phủ một bóng đen lên Hội nghị, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và buộc các nước phải có cách tiếp cận khác. Vì thế, ngoài bàn thảo về thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto, COP-19 đặt ra tham vọng thúc đẩy các nước phát triển thực hiện đúng cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm cho những nước đang phát triển đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Song, đến thời điểm này dù Hội nghị đã đi được 2/3 chặng đường nhưng những tuyên bố đưa ra từ Hội nghị khiến tiến trình đàm phán đang rơi vào bế tắc. Đầu tiên, Nhật Bản, nước từng được kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc cắt giảm khí thải theo Nghị định thư mang tên một thành phố của mình (Nghị định thư Kyoto), đã gây sốc cho toàn thể hội nghị khi công bố tăng thêm 3,1% mức phát thải của mình, đi ngược lại cam kết trước đó là giảm 25% khí thải vào năm 2020. Bên cạnh Nhật Bản, Australia cũng là một nỗi thất vọng lớn tại COP19 khi tuyên bố điều chỉnh mức giảm phát thải từ 15-25% thành 5% vào năm 2020 (so với mức cam kết đưa ra năm 2000). Ngoài ra, Thủ tướng nước này cũng vừa bãi bỏ luật đánh thuế carbon, giải tán cơ quan tham mưu về cắt giảm phát thải, giảm hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, mở đường cho các dự án khai thác than khổng lồ. Trong bài phát biểu tại COP19, đại diện Australia cũng liên tục sử dụng các cụm từ “không đồng ý”, “không ủng hộ” và cố gắng trì hoãn các cam kết trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ tổn thất và mất mát do biến đổi khí hậu gây ra. Ngay cả nước chủ nhà Ba Lan cũng bị chỉ trích nặng nề tại Hội nghị lần này về việc cho phép các công ty nhiên liệu hóa thạch tham gia các cuộc đàm phán, một bằng chứng cho thấy quốc gia này vẫn theo đuổi các loại hình sử dụng năng lượng carbon.
Đến trì hoãn cam kết đóng góp tài chính
Một trong những vấn đề được hy vọng sẽ đạt thỏa thuận tại Hội nghị COP lần này là quyết định liên quan đến phương thức hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề huy động tài chính cho Quỹ Khí hậu xanh. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nước nào đưa ra cam kết đóng góp tài chính cho giai đoạn 2013-2020. Điều này thực sự là trở ngại lớn cho các nước đang phát triển, những nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu khi không biết mình có bao nhiêu tiền để xây dựng kế hoạch ứng phó.
Trở ngại lớn nữa khiến COP-19 bế tắc là vấn đề chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường. Trong khi các nước đang phát triển đòi hỏi phải xóa bỏ mọi rào cản về quyền sở hữu trí tuệ thì các quốc gia đã phát triển không hề muốn bởi giá của việc chuyển giao công nghệ này có thể đem lại những nguồn thu không hề nhỏ.
Từ quyết tâm đến hành động: khoảng cách còn xa
Mặc dù COP-19 thừa nhận những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đang trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu, song COP-19 vẫn không thể tìm ra được tiếng nói chung để giải quyết những vấn đề còn tồn tại từ những hội nghị trước.
Rất nhiều nỗ lực đang được thực hiện để đem lại một kết quả cụ thể từ Warsaw. Số lượng người tuyệt thực tiếp tục tăng lên, hàng chục nghìn người tham gia biểu tình hòa bình để thể hiện ủng hộ cho Công lý Khí hậu. Cuộc chiến gây sức ép từ phía cộng đồng đang dâng cao hơn bao giờ hết và hội nghị COP19 chỉ còn vài ngày nữa sẽ kết thúc. Những giọt nước mắt đau xót của trưởng đoàn Philippines khi nghĩ về nạn nhân, đồng bào mình, của siêu bão Haiyan liệu có làm thức tỉnh lương tri nhân loại? Liệu COP-19 có tận dụng được cơ hội vào phút chót? Câu trả lời đã có./.