Củng cố tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia

Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Shihamuni, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia từ hôm nay đến ngày 8/12. Chuyến thăm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là phát triển tình đoàn kết hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với Campuchia, thúc đẩy thực hiện có kết quả các hiệp định, thoả thuận hợp tác giữa hai nước. Nhân dịp này, biên tập viên Đài TNVN có bài nhan đề “Củng cố tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia”.

 

Củng cố tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia  - ảnh 1

Quốc Vương Campuchia nhiệt liệt chào đón

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia có lịch sử truyền thống lâu đời, đã được thử thách qua thời gian dài và hiện nay đang tiếp tục được gìn giữ và phát triển. Sự gần gũi về địa lý, lịch sử, văn hóa cũng như sự tương đồng về việc lựa chọn con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và mục tiêu phát triển đất nước ngày nay là nhân tố quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc. Phó quốc vụ khanh Campuchia, ông Chau Phaly khẳng định: “Nhân dân Campuchia mãi mãi không bao giờ quên sự giúp đỡ của VN và tôi tin rằng tình đoàn kết giữa hai dân tộc là bất hủ. Mặc dù Campuchia đã được giải phóng hơn 30 năm nay nhưng Việt Nam vẫn luôn quan tâm giúp đỡ cho đến tận hôm nay. Hiện tại, hai nước có sự hợp tác rất chặt chẽ trên tất cả các ngành, các lĩnh vực. Chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai nước ngày càng phát triển”.

 

Trong bối cảnh mới, cả hai nước đều thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, song đều hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Những năm gần đây, lãnh đạo hai bên đã xác lập khuôn khổ quan hệ hợp tác “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” và các nguyên tắc quan hệ: Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào dùng lãnh thổ của mình chống lại nước kia; hợp tác bình đẳng cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới. Trên tinh thần đoàn kết hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau vì lợi ích chung của hai dân tộc, phù hợp với luật pháp của mỗi nước cũng như thông lệ quốc tế, hai nước đã và đang phối hợp chặt chẽ với nhau từng bước giải quyết tốt các vấn đề tồn tại về biên giới, Việt kiều ở Cam-pu-chia, người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên sang Cam-pu-chia. Hai bên đã thống nhất về nguyên tắc giải quyết các điểm vướng mắc về phân giới cắm mốc trên bộ và phấn đấu hoàn thành phân giới cắm mốc trước cuối năm 2012. Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh: “Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt được xây dựng bằng xương máu của hai dân tộc. Hai nước đều gắn kết với nhau và giữ được nền độc lập về chủ quyền và sự tồn vong của dân tộc. Sự hợp tác toàn diện này phải làm sao cho ngày càng tốt lên, làm cho quan hệ hợp tác bền chặt hơn, hiệu quả hơn. Làm được như vậy thì mới xứng đáng với sự hy sinh của đồng bào hai dân tộc đã để lại”.

 

Củng cố tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia  - ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk và Hoàng Thái hậu


Tính đến nay, hai bên đã ký kết hơn 80 văn kiện pháp lý về hợp tác song phương, thiết lập các cơ chế phối hợp cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển của mỗi nước. Hàng năm, lãnh đạo cấp cao của hai bên thường xuyên trao đổi đoàn tạo dựng niềm tin. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy giữa hai nước là cơ sở để phát triển hiệu quả các mối quan hệ hợp tác song phương về kinh tế thương mại, đầu tư, giao thông-vận tải, nông-lâm-ngư nghiệp, du lịch, hàng không, năng lượng điện, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học-kỹ thuật, đối ngoại, an ninh-quốc phòng... . Hiện Việt Nam có 98 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng vốn hơn 2,2 tỷ USD. Nhiều dự án đang hoạt động khá hiệu quả được Chính phủ và nhân dân Campucahia đánh giá cao nhất là Dự án về lĩnh vực về viễn thông, hành không, trồng cao su, ngân hàng… Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD và ước tính năm nay con số này đạt khoảng 2,4 tỷ USD. Tháng 4 năm nay, VN và Campuchia đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại do hai thủ tướng chủ trì, qua đó hai bên cũng đã xác định 25 lĩnh vực hợp tác. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư này, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc bày tỏ mong muốn: “Trên cơ sở định hướng của hai Chính phủ, chúng tôi sẽ tập hợp và trợ giúp cho các doanh nghiệp xây dựng đối tác chiến lược với nhau. Chúng tôi có mong muốn là các doanh nghiệp hàng đầu của hai nước phải bắt tay vào hợp tác với nhau, trước khi đi tìm đối tác chiến lược ở nước nào khác thì hãy tìm đối tác lẫn nhau giữa hai nước chúng ta.”.

 

Củng cố tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia  - ảnh 3

Tổng Bí thư thăm và làm việc tại Quốc hội Campuchia


Duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cam-pu-chia là nguyện vọng chung của hai dân tộc. Chuyến thăm hữu nghị cấp nhà nước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Vương quốc Campuchia là dịp quan trọng để thúc đẩy tình đoàn kết, đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển sâu, hiệu quả hơn nữa vì lợi ích chung của hai dân tộc. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng góp phần thúc đẩy hợp tác VN-Campuchia trong khuôn khổ ASEAN, hợp tác Uỷ hội sông Mekong, tiểu vùng Mekong mở rộng, chương trình phát triển các vùng nghèo liên quốc gia dọc hành lang Đông – Tây và nhất là trong khuôn khổ Tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia./. 

 

Ánh Huyền, Đặng Linh


Phản hồi

Các tin/bài khác