Cùng thế giới phòng chống HIV/AIDS

(VOV5)- Năm 1988, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chọn ngày 01/12 hằng năm là ngày phòng chống HIV/AIDS trên toàn thế giới. Sau đó, nhằm đẩy mạnh sự phối hợp của toàn thể nhân loại trong việc phòng chống dịch bệnh này, UNAIDS (chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS) đã phát động thành chiến dịch toàn cầu lần đầu tiên từ 01/12/1997.

Cùng thế giới phòng chống HIV/AIDS - ảnh 1
Thanh niên diễu hành tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại Đắk Lắk. Ảnh: Lê Kiến/ Báo Tiền phong

Tại Việt Nam, hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch cho Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2016, diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2016, với nội dung: Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”; Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; Giảm kỳ thị và phân biêt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.


Tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: "Để thực hiện mục tiêu này, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các biện  pháp trong phòng chống HIV/AIDS. Tập trung cho khuyến khích xét nghiệm HIV/AIDS để phát hiện tình trạng nhiễm HIV/ AIDS của người dân và xét nghiệm sớm để được điều trị và điều trị càng sớm càng tốt. Tôi kêu gọi người nhiễm HIV hãy tham gia điều trị, điều trị HIV/AIDS miễn phí và tới đây sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán."


Để tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương đã nhân rộng kinh nghiệm trong xây dựng, vận động và huy động nguồn lực để đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS... Bác sỹ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc huy động nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS là làm sao phải có kế hoạch cụ thể, khả thi để có thể thuyết phục được đối tác. Đồng thời, cũng phải triển khai các hoạt động có hiệu quả, để từ đó có thể kêu gọi được nguồn lực đầu tư của các tài trợ quốc tế."


Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác), ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Việt Nam đã cam kết hưởng ứng mục tiêu này từ năm 2014 và đây là mục tiêu quan trọng, do vậy năm 2016 Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung vào chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Năm 2016 là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam giảm được cả 3 tiêu chí về số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người chết do AIDS.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác