Đằng sau cái gọi là “lòng yêu nước” của sinh viên Nguyễn Phương Uyên

(VOV5)- Trên một số phương tiện thông tin truyền thông ở nước  ngoài vừa xuất hiện các thông tin xuyên tạc vụ việc Nguyễn Phương Uyên, sinh viên trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh vi phạm pháp luật. Sự thật đằng sau vụ việc này là gì?

Ngày 19/10/2012, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên trong thời hạn 4 tháng để làm rõ hành vi của Kha, Uyên và một số đối tượng có liên quan vì đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo quy định tại điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Trước đó, cơ quan chức năng Long An đã phát hiện tại nhà riêng của Đinh Nguyên Kha nhiều bằng chứng về việc Đinh Nguyên Kha phát tán tài liệu có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Quá trình điều tra đã chứng minh Kha và Uyên cùng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có việc rải truyền đơn xuyên tạc, bịa đặt chính sách tôn giáo, chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước Việt Nam, bày tỏ quan điểm lệch lạc về chủ quyền biển đảo và biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung quốc, theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thiện Thành, là thành viên cái gọi là “Tuổi trẻ yêu nước”, mà thực chất là một tổ chức phản động, tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong bản nhận tội tự viết tay, Nguyễn Phương Uyên khai rõ quá trình cùng Kha phát tán truyền đơn và thực hiện các hoạt động cụ thể tuyên truyền, chống phá Nhà nước Việt Nam. Theo đó, ngày 3/10/2012, Kha và Uyên đã đến khu vực cầu An Sương, thành phố Hồ Chí Minh để quan sát hiện trường và phát tán truyền đơn. Để việc phát tán truyền đơn có hiệu quả, Kha đã giao cho Uyên 2,5 triệu đồng để Uyên đổi tiền có nhiều mệnh giá khác nhau rồi Kha dán vào mặt sau của hơn 2.000 truyền đơn, mỗi tờ một tờ tiền Việt nam có mệnh giá 20.000 đồng, 10.000 đồng hoặc 5.000 đồng, bỏ vào trong một thùng giấy cùng với cờ ba sọc, biểu tượng của chế độ ngụy quyền Sài gòn. Kha đã tự chế một thiết bị hẹn giờ theo chế độ báo thức của điện thoại di động, khi rung lên thì hộp giấy này tự động mở nắp, truyền đơn được rải xuống đường. Kha và Uyên còn cùng chụp hình, quay phim các cơ quan chức năng đang thu giữ truyền đơn, rồi gửi cho Thành qua các trang mạng xã hội facebook, yahoo.

Trước đó, ngày 20/8/2012, dưới sự hướng dẫn của Thành, Uyên đã mang hình vẽ cờ vàng ba sọc đỏ, dùng máu pha loãng viết tay trên tờ vải trắng những dòng chữ nói xấu Đảng cộng sản Việt Nam, dán ở quốc lộ 28 tại Bình Thuận, chụp 19 file ảnh gửi cho Thành đăng trên trang web “Tuổi trẻ yêu nước” và facebook cá nhân mang tên Nguyễn Tấn Cường.

Khi bị bắt, Uyên ân hận và thành thật nhận tội: “ Bản thân tôi nhận thấy việc mình làm đã vi phạm pháp luật Nhà nước Việt Nam, chống lại Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Uyên lý giải sở dĩ Uyên làm việc này là vì gặp khó khăn trong kinh tế, muốn Thành hỗ trợ laptop, điện thoại và chi phí học tập. Uyên bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ khoan hồng, tha thứ, với mức án nhẹ để tiếp tục học hành, trở thành người công dân hữu ích, chuộc lại lỗi lầm của mình…”

Như vậy là sự thật về vụ việc vi phạm pháp luật của sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã được các cơ quan chức năng làm rõ. Cách suy nghĩ và lối sống thực dụng đã khiến Uyên mắc sai lầm và giờ đây, Uyên sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Điều đáng nói là một số hội, đoàn, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài mượn danh ngụy tạo chứng cứ đã ngay lập tức tung lên mạng những bức thư kiến nghị của tập thể gửi lên Chủ tịch nước và Tâm thư gửi những nhân sỹ, trí thức ủng hộ cho Nguyễn Phương Uyên. Cơ quan chức năng đã xác định danh sách 109 sinh viên của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, được cho là đã ký đơn gửi lên Chủ tịch nước xin cứu giúp Uyên, là không đúng sự thật.

Sinh viên Nguyễn Thị Kim Thu, bạn học cùng lớp với Uyên, khẳng định: “Em và Uyên rất thân nhau, nhưng không ngờ Uyên lại có hành động nông nổi như vậy. Bất ngờ hơn khi em lại có tên trong danh sách viết thư gửi Chủ tịch nước xin tha tội cho Uyên. Đây là sự mạo danh, vì không chỉ bản thân em mà các bạn trong lớp đều không hề biết đến đơn kiến nghị này”.

Câu chuyện của Nguyễn Phương Uyên là sự mơ hồ về chính trị, ngộ nhận về lòng yêu nước và rõ ràng là sự sai lầm của một sinh viên. Nhưng dù thế nào, nhìn từ bản chất của sự kiện này, có thể nói, lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam đều bị tổn thương. Và vì thế, mỗi người, không chỉ là tuổi còn trẻ, tự cho mình có nhiệt huyết để rồi không giữ mình và không thể hiện lòng yêu nước đúng cách, vô hình chung, họ đã để kẻ xấu lợi dụng, làm mất đi giá trị của bản thân trước gia đình, cộng đồng và Tổ quốc./.

Phản hồi

Các tin/bài khác