Đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững

(VOV5) Ngày 2/12 Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, một hoạt động thường niên bên lề Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (Hội nghị CG) năm 2011 khai mạc tại Hà Nội. Khác với mọi năm, trọng tâm của diễn đàn nói riêng và Hội nghị CG năm nay nói chung không phải là con số vốn tài trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nhà tài trợ cam kết dành cho VN mà sẽ là tập trung đối thoại về những giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, đặt nền móng cho kinh tế VN tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai.

Theo báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng thế giới đưa ra hôm 30/11, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam về cơ bản đã ổn định nhờ nỗ lực cao của Chính phủ. Nhiều giải pháp trong đó Nghị quyết 11 của chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đã bước đầu phát huy tác dụng khi chỉ số lạm phát đã giảm dần qua các tháng. Khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng mạnh, góp phần lớn nhất vào tăng trưởng chung. Giá hàng hóa và lương thực trên thế giới tăng cao đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 11, góp phần tích cực kiềm chế lạm phát và từng bước giảm dần tốc độ tăng giá. Đây là sự ổn định quan trọng tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục triển khai các chính sách ổn định kinh tế trong thời gian tới. Ông Depark Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới cho rằng: "Trong năm 2011, trước bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát đưa về mức thấp hơn ở cuối năm. Như vậy có thể thấy những giải pháp và công cụ kinh tế vĩ mô đã có kết quả. Lãi suất cao cũng bắt đầu giảm. Rõ ràng chính sách kiểm soát tài chính tiền tệ của Việt Nam đã có kết quả."

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam chưa thể “thở phào” bởi sự ổn định này còn rất mong manh. Trong trung và dài hạn, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức như thâm hụt ngân sách, nợ nước ngoài dù vẫn đang trong ngưỡng an toàn nhưng đứng ở mức cao. Và nhất là những rủi ro tiềm tàng trong lĩnh vực tài chính do "tăng trưởng tín dụng cao trong những năm qua, lãi suất cho vay cao và năng lực quản lý rủi ro yếu của hệ thống ngân hàng VN…. đang đe dọa gây nên một sự bất ổn lớn nếu không được kiểm soát tốt. Theo bà Victoria Kwakkwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại VN, hạn chế lớn nhất của Việt Nam hiện nay là lĩnh vực tài chính vì thế Việt Nam cần phải thay đổi và tái cơ cấu ngân hàng như một lĩnh vực ưu tiên nhất. Tái cơ cấu lĩnh vực tài chính tốt sẽ giúp Việt Nam khôi phục môi trường kinh tế vĩ mô bền vững và đặt nền móng cho tăng trưởng hiệu quả. Bà Victoria Kwakkwa nhấn mạnh: "Có rất nhiều vấn đề cần giải trình trên cơ sở thực tiễn đúng đắn như làm thế nào giải quyết được vấn đề nợ xấu của các ngân hàng. Cần phải có giải pháp để các ngân hàng có đủ vốn, trở thành ngân  hàng đáng tin cậy, đồng thời giải quyết được những trường hợp cho vay không đòi lại được. Rủi ro ngân hàng phải được đánh giá chính xác dựa trên các phân tích kinh tế, làm cơ sở hoạt động chắc chắn và an toàn cho hệ thống ngân hàng. Trong đó, việc thanh tra, giám sát ngân hàng là rất quan trọng, đảm bảo Ngân hàng Nhà nước có thể theo dõi và nhận biết sớm những tín hiệu xấu trong hệ thống, tránh rủi ro xảy ra."

Bà Victoria Kwakkwa khẳng định hiện tại Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Trung tâm Tài chính quốc tế đã thảo luận với Chính phủ Việt Nam xây dựng một chương trình đánh giá lại toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam để từ đó đưa ra những chương trình cải cách cụ thể. Cùng với tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cũng là một trong 3 lĩnh vực của gói tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đã công bố, được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tập trung bàn thảo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Hội nghị CG lần này. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước  cần được thực hiện dần từng bước, gắn với tái cấu trúc tài chính ngân hàng và tái cấu trúc đầu tư công. Có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước không có nghĩa là loại bỏ doanh nghiệp nhà nước mà là làm cho doanh nghiệp nhà nước mạnh hơn, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đất nước. Ông Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Tài chính cho rằng: "Phải cơ cấu lại căn bản khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong đó xác định được phạm vi lĩnh vực cần sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước cần đảm nhiệm vai trò thực chất của mình là tạo điều kiện và phục vụ cho thành phần kinh tế phát triển, tạo điều kiện cho nền kinh tế vận hành tốt, thúc đẩy tiến trình  tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao căn bản sức cạnh tranh của cả nền kinh tế."

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 5,8% trong năm nay. Đây là con số vẫn ấn tượng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng trong lúc này, Việt Nam cần ưu tiên cho tái cấu trúc nền kinh tế, đồng nghĩa với việc hạn chế tăng trưởng trong ngắn hạn. Vì vậy, việc tìm ra những vấn đề căn cơ của tăng trưởng, để Việt Nam không lệ thuộc vào nguồn viện trợ mà có thể tự đảm bảo chủ động nguồn tài chính của mình là trọng tâm đối thoại giữa các đối tác quốc tế và chính phủ Việt Nam tại Hội nghị CG lần này. 

Tài trợ quốc tế giờ đây không chỉ là việc cung cấp vốn viện trợ nữa mà quan trọng hơn là chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…, để Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình.


                                                Ánh Huyền

                                                                                                              

Các tin/bài khác