Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, bước đi hiệu quả, kịp thời

(VOV5)- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, giai đoạn 2011 – 2015, nhằm đưa khu vực kinh tế Nhà nước trở thành nòng cốt, thực hiện vai trò chủ đạo, điều tiết và ổn định nền kinh tế vĩ mô.


Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, bước đi hiệu quả, kịp thời - ảnh 1


Theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ được phân loại theo 3 nhóm để tiến hành tái cơ cấu. Nhóm 1 là các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực độc quyền Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Nhóm 2 là nhóm doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động. Nhóm 3 là các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên hoặc giải thể, phá sản.


Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, bước đi hiệu quả, kịp thời - ảnh 2

Tái cơ cấu DNNN để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế



Việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, trước mắt được thực hiện đối với các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, cấp thoát nước, môi trường đô thị…


Việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước được thực hiện một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm.


Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, bước đi hiệu quả, kịp thời - ảnh 3



Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Trần Hậu, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hay nói khác đi là cổ phần hóa, nên bắt đầu từ các tập đoàn kinh tế lớn như tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel…và phải được thực hiện triệt để. Việc bán vốn của Nhà nước phải hướng đến các nhà đầu tư tư nhân, giảm thiểu các nhà đầu tư chiến lược: Để cổ phần hóa thành công, điều đầu tiên là nhà nước phải đưa ra một danh mục các ngành nghề nào mà nhà nước đã nắm giữ được trọn vẹn, những ngành nghề nào mà nhà nước sẽ nắm giữ chủ đạo và những ngành nghề nào nhà nước sẽ không cần nắm giữ để tiến hành cổ phần hóa quyết liệt và cổ phần hóa sâu. Ngay cả những tập đoàn lớn, các tập đoàn kinh tế mũi nhọn của Việt Nam cũng nên cổ phần hóa sâu để có vốn của tư nhân tham gia vào và cùng tham gia vào quản trị với nhà nước. Và chúng ta cũng không nên né tránh mãi cái việc là cổ phần hóa có phải là tư nhân hóa hay không. Bởi vì cổ phần hóa mà các cổ đông sau khi cổ phần hóa vẫn là các doanh nghiệp nhà nước thì cổ phần hóa đó mãi là một vòng luẩn quẩn.


Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, bước đi hiệu quả, kịp thời - ảnh 4


Điểm yếu lớn nhất hiện nay ở Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước phát triển theo chiều rộng, không hiệu quả, đầu tư ra ngoài ngành. Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015.



Ông Bùi Ngọc Sơn, Viện kinh tế và chính trị thế giới, cho rằng Nhà nước chỉ nên tham gia vào lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế xã hội và tư nhân không làm được. Việc cổ phần hóa phải diễn ra từ từ và thận trọng ở lĩnh vực liên quan đến dịch vụ xã hội. Những lĩnh vực như đường sắt, hàng không, điện, dầu khí, nhà nước cũng chỉ nắm giữ phần cơ sở hạ tầng, còn phần dịch vụ cung ứng, nên để tư nhân cạnh tranh bình đẳng. Ông Bùi Ngọc Sơn nêu ý kiến: Theo quan điểm của tôi, Nhà nước nên thu hẹp bớt việc Nhà nước nắm giữ các cơ sở kinh doanh để kiếm lợi nhuận và chuyển giao những lĩnh vực này cho tư nhân làm. Nhưng khi làm, để đảm bảo an toàn cho xã hội, cho quá trình chuyển giao thành công và đỡ gây ra những bất ổn xã hội thì nên có những lưu ý trong việc tư nhân hóa các lĩnh vực công cộng, công ích thì nên thực hiện từ từ và phải có những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa để doanh nghiệp hoạt động bình thường. Như vậy mới có kết quả tốt.


Sau khi tái cấu trúc doanh nghiệp, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Chính phủ cần trao quyền đại diện sở hữu cho một cơ quan duy nhất, thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ, tách quyền sở hữu với quyền điều hành sản xuất kinh doanh, trao quyền giám sát doanh nghiệp nhà nước mạnh hơn nữa cho các bộ, ngành. Theo tiến sỹ Trần Tiến Cường, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cần cơ cấu lại vai trò, chức năng, việc tổ chức chủ sở hữu nhà nước, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý, đặc biệt là năng lực giám sát của chủ sở hữu: Trước đây, chúng ta quan tâm là đối tượng quản lý là các doanh nghiệp nhà nước nhưng bây giờ, có lẽ chúng ta phải quan tâm nhiều hơn ở giác độ là quản lý nhà nước, vai trò của quản lý nhà nước. Tư duy của chúng ta phải thay đổi là quản lý của chủ sở hữu phải tách bạch với quản lý của hành chính nhà nước để đảm bảo tính thống nhất tập trung của chủ sở hữu, đảm bảo tính chuyên trách, chuyên nghiệp, năng lực thực hiện quản lý giám sát của chủ sở hữu.


Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, bước đi hiệu quả, kịp thời - ảnh 5



Một trong các giải pháp mà Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đưa ra là khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp cần cổ phần hóa theo hướng đẩy mạnh đa dạng hóa sở hữu; xác định rõ những ngành, lĩnh vực khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nằm giữ vốn điều lệ  hoặc không giữ cổ phần. Mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp theo các phương án đã phê duyệt được Chính phủ coi là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2015./.

Phản hồi

Các tin/bài khác