Để Internet trở thành công cụ thông tin hữu ích

(VOV5) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới đây chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước Việt Nam trên một số trang mạng Internet, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là một trong những chỉ đạo trực tiếp nhất của người đứng đầu Chính phủ trong tiến trình quản lý để Internet trở thành công cụ thông tin hữu ích ở Việt Nam.

Trước khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có chỉ thị này, báo cáo của các bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cho biết một số trang mạng gần đây đăng tải nhiều thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật về bộ máy lãnh đạo của đất nước, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tuyên truyền các giá trị “tự do”, “dân chủ” theo kiểu phương Tây. Trên thực tế, những trang web nói trên, cũng như nhiều các trang web của các tổ chức phản động nước ngoài khác, đã và đang làm nhiễu loạn môi trường thông tin trên mạng Internet, kích động chống Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong quần chúng, nhân dân về sự nghiệp xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước Việt Nam.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nói chung và Internet nói riêng, hơn  30,8  triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 35% dân số Việt Nam hiện nay, một mặt được thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận thông tin nhanh chóng và đa dạng, nhưng mặt khác, họ cũng bị nhiễu bởi rất nhiều thông tin không có nguồn kiểm chứng, đi ngược lại với tôn chỉ, mục đích cao cả của truyền thông, như những thông tin đăng trên các trang web phản động, trái chiều. Trong cuộc giao lưu trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng những thông tin tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc… như vậy cần được kiểm soát chặt chẽ và có chế tài quản lý cụ thể. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: “ Đây là hành vi mà không chỉ luật báo chí mà cả những luật khác phải có chế tài vì nó vi phạm đến nhân phẩm, quyền tự do của người khác, uy tín cá nhân. Về phía cơ quan quản lý truyền thông, chúng tôi đã và đang soạn thảo một Dự thảo thay đổi Nghị định 97 quản lý hoạt động trên Internet, trong đó có quản lý game online và quản lý blog để chúng ta có chế tài, làm sao vừa tạo điều kiện tự do cho mọi người, đồng thời cũng để hạn chế những hành vi lợi dụng để xâm phạm tự do cá nhân, vi phạm pháp luật”.


Để Internet trở thành công cụ thông tin hữu ích - ảnh 1

Internet có mặt tại Việt Nam từ cuối thập kỷ 90 đến nay. Do chính sách cởi mở, tạo điều kiện để Internet phát triển của Chính phủ Việt Nam, nên cùng với số người sử dụng Interrnet không ngừng tăng lên theo cấp số nhân là sự xuất hiện của hàng trăm báo điện tử, hàng nghìn trang điện tử của các tổ chức ngành, đoàn thể, các địa phương, cùng hàng triệu blog cá nhân….Trong số này, nhiều trang web đang lợi dụng tự do ngôn luận để thúc đẩy quá trình diễn biến hòa bình, kích động lật đổ chế độ. Chính vì vậy, chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc điều tra, xử lý việc đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước Việt Nam trên một số trang mạng Internet… thể hiện sự kiên quyết ngăn ngừa các hành vi lợi dụng tự do báo chí để chống đối nhà nước, truyền tải những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thậm chí là vi phạm các lợi ích hoặc tác động tiêu cực đến cộng đồng... Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng chính là hiện thực hóa chủ trương phát triển đi đôi với quản lý Internet, bước đi cần thiết không chỉ đối với Việt Nam mà đối với bất cứ quốc gia có chủ quyền nào trong việc quản lý thông tin trên mạng Internet. Cùng với việc ngăn ngừa các thông tin xấu, Việt Nam cũng sẽ phát triển các mạng xã hội, thay đổi cách thức truyền thông trên mạng để Internet thực sự là công cụ thông tin hữu ích cho sự phát triển xã hội. Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: “Vấn đề là, các phương tiện truyền thông trong nước, trong đó có báo điện tử chúng ta phải đưa thông tin thật nhanh, thật nhạy, thật hấp dẫn, bổ ích để lôi kéo bạn đọc trong nước. Khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ cũng không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài. Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, Hội nhà báo Việt nam sẽ có một cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí nhanh hơn, nhạy hơn và đầy đủ hơn. Chúng ta cần phải nhanh chóng nói đúng bản chất sự việc , nói có tính định hướng để công chúng hiểu".

Thực tế đã cho thấy, thông tin trên mạng Intenet dù mang lại rất nhiều tiện ích cho con người, nhưng không phải là “chiếc chìa khóa vạn năng” để giải quyết được mọi vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để Internet phát huy những ưu thế vượt trội để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng mặt khác cũng nỗ lực quản lý để ngăn ngừa những hạn chế và hệ lụy mà Internet mang lại. Việc làm này không ngoài mục đích nhằm bảo đảm ổn định trật tự xã hội, hạn chế tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực của Internet đối với cộng đồng. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đã và đang làm như vậy./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác