Để khoa học công nghệ trở thành động lực phát triến

(VOV5) - Phát triển khoa học công nghệ là một nội dung quan trọng được bàn tới tại Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11 đang diễn ra tại Hà nội. Thực tế là khoa học và công nghệ Việt Nam đã có nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước và yêu cầu đổi mới về cơ chế quản lý, hoạt động khoa học công nghệ hiện nay trở thành đòi hỏi bức thiết.

 

Để khoa học công nghệ trở thành động lực phát triến - ảnh 1
Ảnh:khoahoc.com.vn


Trong những năm qua, khoa học công nghệ Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân. Theo đó, khoa học xã hội và nhân văn cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Khoa học tự nhiên đạt được những thành tựu tiêu biểu trong nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, qua đó nâng cao vị thế quốc tế của khoa học Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực toán học, vật lý lý thuyết. Khoa học công nghệ đóng góp tích cực  trong việc thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ của các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội, nhất là công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, công nghệ thông tin. Đặc biệt, những thành tựu ngành nông nghiệp và y tế hiện nay đạt được có sự đóng góp từ 30-35% của khoa học công nghệ Việt Nam.

 Bên cạnh những thành tựu, khoa học công nghệ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước với những hạn chế như: mang nặng tính lý thuyết, chưa gắn kết chặt chẽ, có hiệu quả với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động khoa học công nghệ cần được đổi mới, hoàn thiện. Đó thực sự là một nhu cầu cấp thiết. Ngày 11/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 418 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020. Về Chiến lược này, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Một số nội dung mới so với trước là những mục tiêu cụ thể của chiến lược và một số giải pháp thúc đẩy khoa học công nghệ VN. Cụ thể:  đến năm 2020, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20%/năm giai đoạn 2016 - 2020, Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15 - 17%/năm. Trình độ phát triển khoa học công nghệ, phấn đấu là 1 trong những nước có thứ hạng trong khu vực ASEAN.


Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam đặt mục tiêu số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng trung bình 15 - 20%/năm, tốc độ đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích tăng 1,5-2 lần. Việt Nam phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt trên 2% GDP vào năm 2020,  bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, xây dựng 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao… có hệ thống 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ để đóng góp quan trọng cho tăng trưởng. Đặc biệt, Việt Nam phấn đấu đào tạo đội ngũ nhân lực làm khoa học công nghệ đủ trình độ với tỷ lệ 11-12người/1 vạn dân vào 2020. Toàn hệ thống sẽ có khoảng gần 2.000 tổ chức khoa học công nghệ của nhà nước và các thành phần kinh tế khác.

 

Vai trò của khoa học công nghệ được xác định rõ trong nhiều Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam. Theo đó, khoa học công nghệ là khâu “ then chốt”, là “động lực” để phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định:Giải pháp thì có rất nhiều nhưng giải pháp quan trọng, mang tính đột phá là tăng cường tập trung đầu tư, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ đất nước. Bên cạnh duy trì 2% tổng chi ngân sách, cần có biện pháp huy động sự đóng góp của xã hội, doanh nghiệp. Để đạt 2% tổng GDP quốc gia dành cho khoa học công nghệ thì chắc chắn các doanh nghiệp phải đóng góp từ 3-4 lần mức chi của ngân sách nhà nước hay nói cách khác mức xã hội hoá đạt từ 3-4 lần sự quan tâm đầu tư của nhà nước. Ngoài ra, phải có nhiều giải pháp đồng bộ trong đó có chính sách khuyến khích, chế tài… để các doanh nghiệp, tổ chức dành một phần lợi nhuận cho quỹ phát triển khoa học của chính doanh nghiệp, hoặc của địa phương thì chúng ta mới có đủ nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cũng cho biết Bộ đang thực hiện đề án “ Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học công nghệ” nhằm nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ của nước nhà. Những đổi mới về cơ chế hoạt động khoa học đều hướng tới mục tiêu thu hút, động viên đội ngũ nhân lực làm khoa học công nghệ sáng tạo, áp dụng từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn, tạo hiệu quả kinh tế xã hội./.


Phản hồi

Các tin/bài khác