(VOV5) - Cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng tăng cao cả về chất và lượng. Với hơn 610 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nhân đang nỗ lực cùng đất nước hội nhập, đưa thương hiệu Việt Nam đến với thế giới.
Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước với khoảng 40% GDP mỗi năm. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ nỗ lực, cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và còn lươn đi đâu trong mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.
Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen trong đêm Gala gặp gỡ, tôn vinh Doanh nghiệp Doanh nhân Thủ đô năm 2017 (VOV) |
Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nhân khởi nghiệp và phát triển
9 tháng qua, Việt Nam có gần 94.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 900 nghìn tỷ đồng, tăng gơn 15% về số doanh nghiệp và tăng 43% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Với nhiều chính sách, nghị quyết của Nhà nước và Chính phủ cùng môi trường kinh doanh thuận lợi, số lượng doanh nhân khởi nghiệp ngày càng tăng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng 2017, có gần 30 ngàn doanh nhân khởi nghiệp. Hiện thành phố tạo những điều kiện tốt nhất cho cá nhân thành lập doanh nghiệp, mọi khó khăn khi kinh doanh cũng luôn được lãnh đạo thành phố tháo ngỡ. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Có thể nói cả hệ thống chính trị hướng về doanh nghiệp, doanh nhân và phát triển kinh tế. Và vì thế nên kết quả hoạt động làm ăn của các doanh nghiệp đã có những tiền triển tốt hơn. Cụ thể là đóng góp ngân sách cao hơn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới của TPHCM năm nay nhiều hơn năm trước. Các doanh nghiệp tham gia vào các chương trình an sinh xã hội tích cực hơn trước".
Doanh nhân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt ra toàn cầu
Hiệ nay, rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã xây dựng được những thương hiệu nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới. Việc tạo ra các thương hiệu có tiếng vang lớn trên thị trường thế giới của các doanh nghiệp là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh. Vinacafe Biên Hòa là một ví dụ khi sở hữu thương hiệu Vinacafé nổi tiếng chiếm thị phần chi phối tại Việt Nam và được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới. Ông Nguyễn Tân Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa, chia sẻ: Để trở thành một doanh nhân thành công, việc xây dựng thương hiệu phải được coi là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp: "Chúng tôi luôn có niềm tin rằng, thương hiệu mạnh phải là giá trị cốt lõi của công ty. Chúng tôi trong quá trình xây dựng đã nhận thức rất rõ và tập trung xây dựng thương hiệu để trở nên nổi tiếng và tin yêu đối với người tiêu dùng. Đến thời điểm này sản phẩm được hơn 80% người tiêu dùng biết đến. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng thương hiệu để làm sao hàng hóa của mình có giá trị tương xứng với giá trị của sản phẩm xứng tầm quốc tế".
Quy trình sản xuất của một doanh nghiệp (VOV) |
Nhanh nhạy, năng động, sáng tạo là những tiêu chí đang được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chú trọng và hướng tới để không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn vươn xa, chinh phục những thị trường khó tính như Châu Âu hay Trung Đông. Chia sẻ về chiến lược này, doanh nhân Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Tập đoàn LP, cho biết: "Bất cứ sản phẩm nào cũng có đối tượng khách hàng mục tiêu, chúng tôi hướng đến thị trường 100 nghìn người tiêu dùng Việt Nam và 1 triệu người tiêu dùng Trung Quốc, bên cạnh đó là thị trường các nước Đông Bắc Á khác, thị trường Trung Đông đã thâm nhập rồi, tôi mong muốn sáng tạo ra sản phẩm nước hoa trầm hương vào năm tới".
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nhâ, doanh nghiệp Việt Nam phát triển
Thời gian qua tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định, GDP năm 2017 ước đạt 6,7%, điều này có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Sự phát triển của doanh nghiệp có một phần quan trọng là sự chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Chính phủ bằng các nghị quyết tạo điều kiện để nhiều người khởi nghiệp kinh doanh, để các doanh nghiệp phát triển. Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Đồng hành với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển: "Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp. Năm 2017 sẽ là “Năm giảm phí cho doanh nghiệp”.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhiều sản phẩm có thương hiệu tầm cỡ khu vực và Châu Á. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức cần phải vượt qua, nhưng với sự đồng hành của Chính phủ, đội ngũ doanh nhân Việt Nam vẫn vững tin tiến bước cùng sự phát triển của đất nước.