(VOV5) - Quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nội dung này nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia, những người nghiên cứu pháp luật nhằm đổi mới mô hình bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền, song Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này. Dự thảo còn thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tổ chức tinh gọn và hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết: “Chúng ta minh bạch hóa cơ quan nào là cơ quan hành pháp, cơ quan nào là cơ quan tư pháp. Trước đây, chúng ta chỉ công nhận 3 bộ phận trong bộ máy nhà nước, đòi hỏi phải phối hợp, phân công rõ ràng nhưng vì chúng ta chưa phân định rõ nên rất khó trong quá trình hoạt động.Tôi lấy ví dụ, cải cách tư pháp chúng ta đặt ra rất nhiều công việc nhưng tiến độ rất chậm là vì luẩn quẩn là tư pháp gồm những gì. Ở các nước, tư pháp chỉ là xét xử, nói đến tư pháp là nói đến tòa án. Chúng ta lại quan niệm tư pháp là điều tra, truy tố, xét xử, như vậy hoạt động rất rộng, rất khó xác định cơ quan này nằm ở đâu, thuộc về đâu. Ví dụ nữa là thi hành án lại do Chính phủ quản lý thì không thể là tư pháp được.”.
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng có điểm mới về cách thức hiến định đơn vị hành chính lãnh thổ và chính quyền địa phương, trong bối cảnh Việt Nam tiến hành cải cách hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
|
Hội nghị góp ý dự thảo hiến pháp do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức - Ảnh: tuoitre |
Theo Dự thảo, tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương được đổi mới theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Thạc sỹ luật học Nguyễn Kim Ngân cho biết: “Sửa đổi Hiến pháp lần này đã có bước phát triển về tổ chức bộ máy nhà nước. Thực ra, trong Hiến pháp năm 1992, những đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần sửa đổi nhà nước pháp quyền năm 2001 thì chưa có, gần như chỉ có một số sửa đổi mang tính tổng quan, chưa cụ thể về quyền hạn Chính phủ, chính quyền địa phương. Đây là hạn chế khiến sự phát triển của chưa được như mong muốn. Lần này, chúng ta phải đổi mới thêm một bước.”
Có thể nói, những quy định cụ thể về bộ máy Nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992 đồng thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Những đổi mới này sẽ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào khu vực và quốc tế./.