Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng

(VOV5)- Dự kiến đến tháng 11/2012, Ban chỉ đạo, Tổ biên tập Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng” sẽ hoàn thiện việc xây dựng Đề án để trình Bộ Chính trị quyết định triển khai thực hiện. Việc triển khai Đề án này sẽ đáp ứng yêu cầu cải cách chế độ công chức, công vụ, góp phần thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Trong Kết luận của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ và cấp phòng.


Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ cũng xác định một trong các nhiệm vụ để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trưởng và tương đương (ở trung ương), giám đốc sở và tương đương (ở địa phương).



Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng - ảnh 1
Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổ biên tập Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng đã họp phiên thứ I" - Ảnh: VGP/Mai Chi


Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng” do Bộ Nội vụ xây dựng, tập trung nghiên cứu đổi mới tuyển chọn lãnh đạo giữ các chức danh, chức vụ quản lý như: Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng; Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở; Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thuộc hệ thống chính trị.


Các nội dung đổi mới cách tuyển chọn được dự thảo Đề án đề cập đến gồm: Hoàn thiện, bổ sung các quy định hiện hành về bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng; thực hiện thi tuyển cạnh tranh tuyển chọn Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng phòng. 


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án, cho biết: “Mục tiêu chính là đổi mới công tác lựa chọn người để bổ nhiệm cấp vụ, cấp phòng trên cơ sở đó xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng, có đủ phẩm chất chính trị, trình độ và năng lực tốt hơn. Cái mới trong đề án này chính là để làm sao xây dựng quy trình, thủ tục và các phương pháp tuyển chọn cán bộ cấp vụ, cấp phòng đảm bảo công khai, minh bạch và thu hút, lựa chọn được những người có tài năng xứng đáng để bổ nhiệm vào các vị trí xứng đáng”




Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng.



Có thể nói, việc đổi mới công tác lựa chọn người để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng là rất quan trọng. Bởi nếu chọn đúng người, đúng việc sẽ đem lại hiệu quả rất lớn và ngược lại. Thực tiễn cho thấy, để đảm bảo tuyển chọn được người có phẩm chất, năng lực giữ các chức danh quan trọng này yêu cầu phải đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ thông qua thi tuyển cạnh tranh một cách công khai, minh bạch.


Ông Nguyễn Hữu Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, đánh giá cao ý nghĩa của sự đổi mới trong Đề án này: “Bây giờ, chúng ta thực hiện việc thí điểm thi tuyển chọn thì chắc chắn đây là bước đột phá. Hơn nữa, bước đột phá này qua sàng lọc ứng viên có chương trình hành động và sát hạch của hội đồng tuyển chọn thì chắc chắn sẽ chọn được người có đủ điều kiện, phẩm chất đạo đức và tài năng. Và thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và công bằng, dân chủ trong tuyển chọn cán bộ cấp vụ, cấp phòng thì nó sẽ có ý nghĩa hơn. Cách làm này cũng tôn trọng và đề cao người có tài, có đức. Và công tác tuyển chọn cán bộ hiệu quả sẽ có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy công tác phát triển kinh tế xã hội”.


Dư luận bước đầu ghi nhận việc nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ cấp vụ, cấp phòng là cụ thể hoá tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Hiện nay, cả nước cũng đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nên Đề án này là bước đột phá, đổi mới một cách mạnh mẽ về công tác đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ trong giai đoạn mới. Việc xây dựng Đề án sẽ đáp ứng yêu cầu cải cách chế độ công chức, công vụ; đổi mới về tư duy, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ, góp phần thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khắc phục những hạn chế của phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng hiện nay./.

Phản hồi

Các tin/bài khác