Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam

(VOV5) Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 11 vừa thông qua Nghị quyết với những định hướng quan trọng nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa  và hội nhập quốc tế. Nghị quyết này đã và đang được triển khai trên thực tế.

Biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam trích giới thiệu qua bài viết: “ Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam”.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam - ảnh 1



Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” nêu rõ: việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là sự kiện lớn, tin vui đối với cả nước, đặc biệt là đối với ngành giáo dục và đào tạo. Nghị quyết này một lần nữa thể hiện sự quan tâm chăm lo cho giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà Việt Nam.


Đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, lấy học trò làm trung tâm

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm,tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới. Phát triển giáo dục và đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc với tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp quy luật khách quan. Mục tiêu cuối cùng của phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và
làm việc hiệu quả.  Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Chúng ta thay đổi cả về nhận thức cũng như hành động trong tổ chức giáo dục, cả về quan điểm, mục tiêu nguyên tắc, phương pháp. Chúng ta sẽ thay nền giáo dục hiện nay đang chuyển tải càng nhiều kiến thức cho các cháu sang cách thức giúp các cháu tự học, tự nghiên cứu. Chuyển từ việc đánh giá các cháu tính toán nhanh, tính toán đúng, tính toán nhiều là giỏi sang phương thức hướng dẫn để các cháu sáng tạo. Chúng ta sẽ thay vì việc dạy các cháu thành nhà văn để thành nhà tin học, nhạc sĩ chuyển thành các cháu có năng lực cảm thụ cái hay, cái đẹp bài thơ, bài văn, xúc động trước bản nhạc, bức tranh. Chúng ta sẽ tạo dựng
thế hệ có sự tự chủ, tự tin viết, trình bày, diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình, đồng thời có khả năng lắng nghe, tiếp thu cái hay, tốt của đồng nghiệp, bạn học, những người xung quanh và sau này của cả thế giới để làm giàu trí tuệ và khả năng làm việc của mình.

Như vậy, sẽ có những thay đổi cả trong quan điểm, mục tiêu, phương pháp, nguyên tắc chỉ đạo và hoạt động giáo dục của các nhà trường. Theo Bộ trưởng giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận, việc dạy và học lâu nay là truyền kiến thức của thầy cho học trò nay sẽ chú trọng đến việc hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh, chuyển từ phương pháp dạy những kiến thức khoa học hiện nay sang dạy cách cho học sinh tự học. Tức là sự tích hợp nhiều kiến thức ở các lớp dưới và phân hoá mạnh, kết hợp với tự chọn ở những lớp học, bậc học khác. Như vậy, tính năng động, năng khiếu của học sinh sẽ được phát hiện và bồi dưỡng kịp thời.


Đổi mới đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng

Cùng với việc đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới chương trình dạy và học, hệ thống sách giáo khoa, sách tham khảo, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo còn bao gồm yếu tố quan trọng là đổi mới đội ngũ giáo viên.Theo đó, cần thiết phải đổi mới hệ thống trường sư phạm và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Để đổi mới giáo dục, thì tất cả các trường sư phạm cũng đổi mới chương trình của mình sao cho quá trình đào tạo giáo viên sát hợp được với yêu cầu đào tạo phổ thông ở đại học và các cấp. Chương trình sư phạm đào tạo phải ăn khớp với hướng đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp. Cùng với việc các nhà trường sư phạm cũng phải được đổi mới thì hiện nay hệ thống các giáo viên đang hoạt động trong các nhà trường được huấn luyện, được đào tạo lại để có năng lực đáp ứng được yêu cầu đào tạo học sinh mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, việc đổi mới giáo dục và đào tạo lần này, vai trò và nhiệm vụ của học sinh và người thầy phải thích ứng với công việc giảng dạy và học tập cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế. Vì đây là con đường, cách
thức mà hầu hết các nước trong đó có nước phát triển đang tiến hành. Do vậy, ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam sẽ từng bước chuyển mình để đáp ứng nhu cầu phát triển và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác