Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam

(VOV5) - Một trong những vấn đề quan trọng được bàn đến tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam khóa 11, đang diễn ra tại Hà nội, là phát triển giáo dục - đào tạo. Theo đó, mục tiêu, nhiệm vụ, các chủ trương, chính sách giáo dục cho từng đối tượng sẽ được nghiên cứu, đổi mới cho phù hợp với bối cảnh và yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. 

Giáo dục đào tạo là vấn đề đặc biệt quan trọng, đã được Đảng và Nhà nước Việt nam coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cách đây 16 năm, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 2 khóa 8 đã ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến năm 2010. Nhờ đó, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng về phát triển quy mô, số lượng, cơ bản chuyển từ một nền giáo dục với thiểu số người đi học, sang một nền giáo dục đại chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, giáo dục Việt Nam đang bộc lộ những bất cập, hạn chế và yếu kém. Đó là, chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, hiệu quả giáo dục chưa cao, nội dung chương trình giáo dục xa rời thực tiễn, các phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá còn lạc hậu và chậm đổi mới. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong ngành cũng chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Để tiến đến đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trong đó có vấn đề tái cấu trúc hệ thống giáo dục, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, nhấn mạnh cả cấu trúc hệ thống lẫn nội dung giáo dục của Việt Nam cần thiết phải được nghiên cứu, điều chỉnh: “Đối mới tư duy trong giáo dục không theo kịp với đổi mới kinh tế trong xã hội từ năm 1986. Cái đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Về cụ thể thì chúng tôi cho rằng các bậc học của Việt Nam chưa hợp lý, ví dụ bậc học phổ thông 12 năm theo tôi là không hợp lý, chương trình nặng nề quá, nhiều nội dung ôm đồm quá, làm cho thế hệ trẻ từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học của Việt Nam không còn được phát triển theo quy luật tự nhiên nữa. Đó là một hậu quả rất lớn”.

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam - ảnh 1
(Ảnh: thanhnien.com)

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH, cho rằng muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, điều căn bản là phải xác định đúng mục tiêu, đồng thời phải thực hiện được cuộc cải cách mạnh mẽ nền kinh tế xã hội và các chính sách để phát triển nền kinh tế giáo dục. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: "Tôi cho là trong dịp đổi mới này, mình phải nhấn mạnh tư tưởng khai phóng ở trong nội dung và phương pháp giáo dục.Mình không tạo điều kiện tự do học thuật, tự do tư tưởng nên làm gì cũng rón rén, chỉ sợ sai, không thể nào sáng tạo được. Cuối cùng, cải cách giáo dục không thể thành công được, nếu như chúng ta không cải cách mạnh về kinh tế xã hội, về chính sách phát triển nhân lực".

Muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, quan trọng hơn cả là phải đổi mới về tư duy, nhận thức về giáo dục đào tạo. Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đổi mới phải theo hướng xây dựng một nền giáo dục mở và một xã hội học tập, thực hiện học suốt đời gắn với phát triển giáo dục điện tử. Điều cơ bản là phải chuyển từ việc dạy học và đào tạo theo kiểu học thuộc một chiều, truyền đạt là chính hiện nay sang dạy và giúp học sinh, sinh viên chủ động, tích cực sáng tạo, tập trung phát triển các năng lực: "Bàn về đổi mới giáo dục không thể không bàn đến cách nhìn về thời đại phát triển, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy, đòi hỏi không chỉ cải cách một vài biện pháp. Đây hằn hoi là chúng ta đang tư duy về một nền giáo dục có vấn đề, vì hệ thống giáo dục của chúng ta được thiết kế theo nguyên tắc quan trọng nhất là đầu vào, thế thì đến thời đại chúng ta hội nhập, chuyển sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi sản phẩm giáo dục không chỉ biết chữ mà còn phải có định hướng nghề nghiệp để sản phẩm ra là dùng được, có chất lượng".

Năm nội dung lớn được cho là cần thiết để tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay gồm: đánh giá đúng thực trạng giáo dục Việt Nam, lý do cần thiết phải đổi mới giáo dục ở Việt Nam, các quan điểm, nguyên tắc cần thực hiện, những mục tiêu tổng quát và cụ thể đối với các bậc học, các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là những nội dung quan trọng sẽ được Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 11 bàn thảo để tiến tới có những chủ trương, quyết sách đúng nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong tình hình mới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác