Đối tác ưu tiên tại Châu Á

(VOV5) Theo nhiều khảo sát nghiên cứu gần đây của các tổ chức nghiên cứu tài chính kinh tế quốc tế, khu vực ASEAN năm 2012 tiếp tục là được đánh giá là khu vực phục hồi kinh tế sau khủng hoảng nhanh nhất. Dự kiến 6 quốc gia thuộc ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines có mức tăng trưởng khoảng 6% trong vòng 5 năm tới. Nằm ở khu vực đang phát triển năng động, Việt Nam được xác định là đối tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia trong năm 2012.

Công ty tư vấn quốc tế A.T Keaarney mới đây công bố báo cáo “Chỉ số niềm tin đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2012” cho thấy các nước châu Á, trong đó có khu vực ASEAN, là điểm đến đầu tư có sức hấp dẫn năm nay.

Dù hiện nay, tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là có môi trường đầu tư tương đối thuận lợi nhờ sự ổn định chính trị, nguồn nhân lực trẻ, chi phí thấp, có nhiều tiềm năng tăng trưởng mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư… Theo số liệu thống kê của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), số dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào VN năm 2011 tăng 82% so với năm 2010 và dự kiến trong năm nay, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư có số vốn lớn tại VN, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, dịch vụ…. Trưởng đại diện Văn phòng hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), ông Motonori Tsuno khẳng định: "Trong khu vực Đông Nam Á, VN được xem là đối tác quan trọng của Nhật Bản và mối quan hệ đó đã được xác nhận là mối quan hệ đối tác chiến lược. Sự phát triển của khu vực Đông Nam Á cũng góp phần vào sự phát triển của Nhật Bản và sự ổn định của cả khu vực, trong đó sự phát triển của VN là rất quan trọng".

Là 1 trong 4 nền kinh tế mới nổi đang phát triển mạnh mẽ, Ấn Độ trong chính sách hướng Đông của mình, cũng đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng. Năm 2011 cũng như vài năm trở lại đây, quan hệ đối tác chiến lược VN-Ấn Độ không ngừng được củng cố và mở rộng. Quan hệ thương mại hai chiều tăng đều hàng năm và Ấn Độ trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với 3,5 tỉ USD năm 2011. Năm 2012, VN và Ấn Độ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm ngày thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược”. Dự kiến, tháng 7 năm nay, đường bay thẳng VN-Ấn Độ được mở cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thông thương giữa hai nước. Theo Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, ông Krishna, năm 2012 là thời điểm bước ngoặt nâng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới: "Ấn Độ đặt tầm quan trọng rất lớn trong quan hệ với VN. Ấn Độ luôn mong muốn mở rộng, nâng tầm nội dung của quan hệ “đối tác chiến lược” với VN, thông qua các chương trình hợp tác cụ thể. Việc Ấn Độ công nhận VN là nền kinh tế thị trường là sự nhìn nhận Ấn Độ là một đối tác quan trọng ở VN và thế giới. Dự kiến, tổng kim ngạch thương mại hai chiều sẽ đạt 6-7 7 tỉ USD vào năm 2015. Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào VN, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như lĩnh vực thép. Năm nay, tiếp tục triển khai các dự án lớn trong lĩnh vực chế biến cà phê, cao su, sản xuất các-bon đen, hóa chất, phân bón…"

Trong cuộc gặp báo chí mới đây nhân dịp năm mới, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Abdrei G.Kovtun đã nhấn mạnh đối với Nga, việc phát triển quan hệ với Việt Nam vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng và Nga mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Việc Nga gia nhập WTO cũng như khả năng kí kết hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazacxtan và Việt Nam sẽ tạo điều kiện gia tăng hơn nữa giá trị trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Nga trong thời gian tới: "Nga và Việt Nam đã kí nhiều thỏa thuận hợp tác. Năm 2012 sẽ tiếp tục thực hiện trên thực tế những thỏa thuận này. Hai năm qua chúng ta đã thực hiện thành công dự án liên quan đến nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam và chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này. Ngoài ra, hai bên sẽ tích cực thảo luận văn kiện liên quan đến khu thương mại tự do giữa các nước trong Liên minh ba bên thuế quan. Đặc biệt năm 2012, Nga đảm nhiệm chủ tịch APEC, hợp tác giữa Nga, Việt Nam và các nước tham gia liên minh thuế quan sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục thương mại giữa các nước".


 Đối tác ưu tiên tại Châu Á - ảnh 1
 Đại sứ Nga Andrey Kovtun: năng lượng nguyên tử như trụ cột vững chắc mới cho quan hệ đối tác chiến lược Nga – Việt. Ảnh: KO

Trọng tâm kinh tế toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển từ Tây sang Đông. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tiến trình nhất thể hoá kinh tế khu vực châu Á thông qua các cơ chế hợp tác ASEAN+3 với Trung Quốc- Nhật Bản- Hàn Quốc, cũng như việc ký các hiệp định đầu tư nội khối và khu vực, nên xu thế tăng trưởng đầu tư lẫn nhau trong khu vực dự báo cũng sẽ tăng mạnh. Có quan hệ tốt đẹp với các nước, các đối tác lớn là điều kiện thuận lợi để VN có thể tận dụng những cơ hội của các cơ chế hợp tác này mang lại, phục vụ cho quá trình phát triển đất nước./.

Ánh Huyền

Phản hồi

Các tin/bài khác