Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung và những khúc mắc trong quan hệ song phương
Thu Hiền -  
VOV5) - Kết quả cuộc đối thoại này thật khó đoán định khi mà hai bên cùng phải đối mặt với nhiều bất đồng trong quan hệ hai nước.
Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung thường niên lần thứ 7 hôm nay bắt đầu khai mạc tại thủ đô Wasington, Mỹ, giữa lúc hai nước nảy sinh những bất đồng về các vấn đề an ninh mạng, thương mại khu vực và cách hành xử bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông. Kết quả cuộc đối thoại này thật khó đoán định khi mà hai bên cùng phải đối mặt với nhiều bất đồng trong quan hệ hai nước.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. petrotimes.vn |
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ Jacob Lew và Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, Uỷ viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ đồng chủ trì cuộc đối thoại này.
Biển Đông trong mối quan hệ Mỹ - Trung
Biển Đông là một trong những chủ đề chính được đặt trên bàn nghị sự trong Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần này. Đó là khẳng định của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Russel trước thềm cuộc đối thoại. Ông Daniel cho biết phía Mỹ sẽ trao đối với phía Trung Quốc về mục đích sử dụng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Biển Đông, điều mà phía Trung Quốc hầu như muốn né tránh. Mỹ có quan điểm khá rõ ràng về điều vấn đề này, thể hiện ở chỗ tại diễn đàn Đối thoại an ninh Shangri-La, Singapore, hồi tháng trước, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Cater đã thẳng thắn yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng trên Biển Đông, trong đó đặc biệt đề cập đến các dự án cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo của phía Trung Quốc. Mỹ quan ngại rằng nếu các hoạt động xây dựng được hoàn thành, Trung Quốc có thể áp đặt các quy định đối với tàu thuyền, máy bay nước ngoài trên Biển Đông, đe dọa đến tự do hàng hải quốc tế, gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực.
|
Dẫu cho đến nay, Trung Quốc chưa thật sự có một phản ứng nào trước yêu cầu của Mỹ về việc dừng xây dựng các đảo nhân tạo nhưng không ít lần, nước này lên tiếng phản đối sự can dự của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Do đó, Đối thoại chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 7 đang trở thành phép thử phản ứng của Mỹ trước Trung Quốc và ngược lại trong vấn đề Biển Đông.
Khúc mắc trong vấn đề kinh tế và an ninh mạng
Không chỉ được dự đoán là căng thẳng trong vấn đề Biển Đông, tầm nhìn về một mối quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ - Trung cũng bị che phủ bởi vấn đề an ninh mạng, nhân quyền và dân chủ ở Hồng Công. Những tiết lộ của cựu nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden về hành vi do thám của nước này đã làm dấy lên những lời cáo buộc trong hàng tháng trời giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự cáo buộc lẫn nhau này lên đến đỉnh điểm với việc Mỹ quyết định chính thức lập hồ sơ truy tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc vì hành vi xâm nhập máy tính các tập đoàn của Mỹ. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công và không thể hiện dấu hiệu nào đáp lại đề xuất nối lại đối thoại về an ninh mạng của Mỹ. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh và Washington cũng vấp phải nhiều khó khăn trong các vấn đề kinh tế khi mà từ mùa hè năm ngoái đến nay, Mỹ đã luôn vận động hành lang để tẩy chay Ngân hàng Đầu tư và Hạ tầng châu Á của Trung Quốc, thể chế được xem là một đối thủ cạnh tranh với các thể chế tồn tại sẵn có của phương Tây như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nỗ lực thu hẹp những bất đồng
Bất chấp một bầu không khí u ám ngay khi cuộc đối thoại diễn ra, Mỹ và Trung Quốc vẫn có những lí do thuyết phục để tìm kiếm sự hợp tác trong những lợi ích chung, từ biến đổi khí hậu cho đến một hiệp định đầu tư song phương đã được đưa ra từ lâu.Hai bên kỳ vọng tại cuộc đối thoại lần này sẽ khai thông những bế tắc trong việc đàm phán Hiệp định đầu tư song phương Mỹ Trung. Nếu Hiệp định này được ký kết, Trung Quốc sẽ có cơ hội mở rộng đầu tư sang Mỹ, trong khi Wasington có thể giải được bài toán việc làm.
Đặc biệt, tại cuộc Đối thoại lần này, Mỹ và Trung Quốc sẽ thu hẹp bất đồng về an ninh, chính trị bằng cách thúc đẩy hợp tác ngoại giao nhân dân. Ngoại trưởng John Kerry và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông sẽ đồng chủ trì cuộc Tham vấn về giao lưu nhân dân-nhân dân (CPE) lần thứ 6 giữa hai nước. Cuộc tham vấn về giao lưu nhân dân - nhân dân sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ và giao lưu giữa nhân dân hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, các vấn đề liên quan tới thể thao, phụ nữ và y tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, ngay cả khi có một kịch bản tốt nhất, thì những mục tiêu có thể đạt được tại cuộc Đối thoại lần này cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức độ “khiêm tốn”./.
Thu Hiền