Đối thoại tạo niềm tin

(VOV) Trong những ngày qua, nhiều vị bộ trưởng của Việt Nam đã liên tục có các cuộc đối thoại với người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên quan đến những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, những vấn đề dân sinh, thiết thực trong đời sống hàng ngày. Đây có lẽ không phải là nét mới nhưng trong sinh hoạt của chính phủ nhưng sự xuất hiện của những người đứng đầu các bộ, ngành trong những ngày đầu năm 2012 này đã tạo thêm niền tin cho người dân vào bộ máy điều hành của Chính phủ trong thời gian tới.

Ngày 6/1, tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời hàng trăm câu hỏi của người dân liên quan đến các vấn đề tăng giá điện, chất lượng xăng dầu và quản lý chất lượng xăng dầu. Giải thích về một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm, đó là việc tăng giá điện 5% trong thời gian vừa qua chưa hợp lý, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết giá điện của VN luôn được duy trì ở mức thấp, do giá điện rẻ nên không khuyến khích được tiết kiệm điện, ngành điện khó thu hút đầu tư, không khuyến khích đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Vì vậy, năm 2011, Chính phủ đã nhất trí ngành điện được điều chỉnh giá điện, bởi nếu không điều chỉnh thì về lâu dài, tình hình cung ứng điện sẽ càng khó khăn, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích: “Việc điều chỉnh như vậy chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát, ảnh hưởng đời sống nhân dân, nên ngành điện đã xin ý kiến của Bộ, của Chính phủ. Do vậy, mức tăng 5% là chỉ tính biến động chi phí trực tiếp đầu vào như xăng dầu, nhân công... chưa tính đến các khoản lỗ do kinh doanh điện của các năm trước. Ngành điện đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có trách nhiệm với đời sống người dân. Lần điều chỉnh này, người nghèo, người dùng từ dưới 100 kWh giờ không ảnh hưởng, tức là đại bộ phận người dân, người làm công ăn lương không bị ảnh hưởng”.

Ngày 9/1, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã trực tiếp trả lời hàng trăm câu hỏi, thắc mắc của người dân trên cả nước liên quan đến việc giải quyết khiếu nại về đất đai, đền bù, giải tỏa. Các câu hỏi dù liên quan đến các vấn đề cụ thể ở địa phương hoặc mang tính thắc mắc về các vấn đề pháp lý, khiếu nại đều được trả lời một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Đối với những câu hỏi chưa rõ ràng, người dân thu thập thông tin và gửi trực tiếp kiến nghị tới Thanh tra Chính phủ để được trả lời, hướng dẫn cụ thể.


Tiếp sau người đứng đầu ngành công thương, thanh tra chính phủ…, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng hôm qua cũng đã đối thoại trực tiếp với người dân trên làn sóng của Đài TNVN. Trả lời những vấn đề mà người dân rất quan tâm hiện nay, trong đó có việc bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở VN và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm mà Bộ giao thông vận tải đã trình Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh đây được xem như một trong những biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế, giải thiểu tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn “Hàng ngày chúng ta luôn luôn phải chứng kiến một con số mà không ai muốn nghe, là hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông và cũng ngần đấy người bị thương. Từ đó, có thể thấy rằng cần phải đưa ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc. Để ra được tờ trình như vậy, Bộ GTVT đã phải xem xét một cách hết sức cụ thể tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, tình hình thực tiễn của đất nước, có tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định phương án này hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu xem xét, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng bởi cần phải có sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn thể nhân dân. Vì vậy, thông qua đối thoại trực tiếp với dân, nghe những ý kiến phản hồi từ người dân sẽ là biện pháp hữu hiệu để các cơ quan chức năng đưa ra những quy định phù hợp nhất.   

Trước đó, đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh cũng dành thời gian gần 1 giờ để đối thoại với người dân trong cả nước về những thành tựu đối ngoại của đất nước trong năm vừa qua, đường lối, chính sách trong thời gian tới. Trong cuộc đối thoại này, vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là việc xử lý các tranh chấp trên biển năm qua được người dân rất quan tâm. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc, trách nhiệm của ngành ngoại giao là rất lớn nhưng quan điểm của VN là kiên trì đường lối giải quyết tranh chấp trên cơ sở đàm phán hòa bình. Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng “Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và của mỗi người dân Việt Nam, trong đó ngành ngoại giao có sứ mệnh rất quan trọng. Ngoại giao Việt Nam trong thời gian qua đã chủ động trong việc làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ về thực trạng tình hình Biển Đông và chủ trương chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”.

Có thể thấy, thông qua đối thoại, ấn tượng của người dân về vai trò của chính phủ trong giải quyết các vấn đề thiết thực của đất nước, của đời sống đã rõ nét hơn. Không còn là những người quan liêu phủi tay cho qua chuyện, ngoảnh mặt làm ngơ trước những bức xúc của nhân dân mà là những người có ý thức trách nhiệm về công việc mà bộ, ngành mình đang trực tiếp quản lý. Lòng tin được gây dựng từ những vị Bộ trưởng luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp và lắng nghe, sẽ giúp chính phủ đạt được mức độ đồng thuận để tiếp tục đưa đất nước phát triển, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức./.

                                                                                                                                                                                Ánh Huyền

Phản hồi

Các tin/bài khác