Giải quyết khủng hoảng tại Syria - bài toán chưa có lời giải

(VOV5) - Vụ thảm sát đẫm máu xảy ra tại thị trấn Houla, miền trung Syria  cuối tuần qua, khiến hơn 100 người thiệt mạng, làm cho những nỗ lực của Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này dường như không còn ý nghĩa. Vụ việc là một trong một trong những vụ bạo động tệ hại nhất kể từ khi phong trào nổi dậy chống chính quyền Syria xảy ra cách đây hơn 1 năm, báo hiệu chiều hướng xấu cho triển vọng hoà bình ở Syria và cũng cho thấy việc giải quyết khủng hoảng chính trị tại quốc gia này là một bài toán khó.

Giải quyết khủng hoảng tại Syria - bài toán chưa có lời giải - ảnh 1
Vụ thảm sát tại Houla- Ảnh: Internet

Trước hết phải khẳng định vụ thảm sát tại thị trấn Houla đã gây sốc cho cộng đồng quốc tế vì con số nạn nhân quá lớn và 1/3 trong số hơn 100 nạn nhân lại là trẻ em. Trong phản ứng đầu tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ thảm sát, coi đó là hành động vi phạm nghiêm trọng cam kết ngừng bắn giữa Chính phủ và phe đối lập ở Syria. HĐBA cũng yêu cầu Chính phủ Syria phải dừng ngay lập tức việc sử dụng vũ khí hạng nặng tại các thành phố lớn đông dân cư, rút ngay lập tức quân đội và vũ khí hạng nặng khỏi các thành phố lớn. Trong khi đó, đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) Côphi Annan (Kofi Annan) hôm qua cũng đã tới thủ đô Damascus của Syria, kêu gọi các bên xung đột có các hành động cụ thể hướng tới một tiến trình chính trị khả thi để chấm dứt bạo lực. Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan hỗ trợ thúc đẩy tiến trình chính trị và nêu rõ thông điệp hòa bình này dành cho tất cả các phe phái tại Syria.

Nhiều nước cũng yêu cầu các phe phái ở Syria chấm dứt 14 tháng bạo động khiến hơn 12.600 người thiệt mạng. Ngoại trưởng Nga Xécgây Lavrốp (Sergey Lavrov) cho biết Moscow không hài lòng về tiến trình cũng như kết quả thực hiện kế hoạch hòa bình do Đặc phái viên LHQ-AL Kofi Annan nêu ra nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Nga lo ngại tái diễn các vụ thảm sát dân thường như vụ tại ngôi làng Hula vừa qua và không loại trừ khả năng có lực lượng đứng đằng sau xúi giục.  Trong khi đó, trong cuộc điện đàm ngày 28/5, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng (Francois Hollande) và Thủ tướng Anh Đây-vít Ca-mê-rôn (David Cameron)  nhất trí sẽ hành động để gia tăng sức ép quốc tế lên chính quyền của Tổng thống Syria Basa An Átxát (Bashar al-Assad) và thống nhất tổ chức cuộc gặp “Những người bạn Syria ” tại Pháp trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, các bên xung đột tại Syria vẫn đang đổ lỗi cho nhau gây ra vụ việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi tuyên bố quân đội Chính phủ không đứng sau vụ thảm sát nhằm vào Houla. Theo ông Makdissi, chính phủ Syria đang trở thành đối tượng của những lời cáo buộc giả dối. Đáp lại tuyên bố này, các tổ chức đối lập ở Syria kêu gọi Liên hợp quốc cấp tốc can thiệp để chính phủ Damascus ngưng ngay những vụ thảm sát.

Theo giới quan sát, dù lực lượng nào chủ đích gây ra sự việc trên thì vụ thảm sát ở Houla không chỉ cho thấy xung đột vẫn hiện diện ở quốc gia Trung Đông này mà còn là kịch bản tệ hại đối với ông Kofi Annan và với kế hoạch hoà bình 6 điểm của ông. Điều này cũng bóc trần một sự thật là các thoả thuận ngừng bắn ở Syria chưa bao giờ được tôn trọng, thậm chí bạo lực còn có dấu hiệu leo thang. Ngay bản báo cáo mới nhất của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon cũng thừa nhận các nỗ lực của Liên hợp quốc chấm dứt xung đột chỉ đạt được tiến bộ nhỏ bé và đã có sự hủy diệt vật chất đáng kể trên khắp Syria. Còn giới quan sát từng nhận định rằng kế hoạch hoà bình của ông Kofi Annan vốn hiếm khi được áp dụng trên thực tế thì nay càng có cơ sở để tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của nó.

Nhiều phương án để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Syria đã được đưa ra nhưng có lẽ vấn đề mấu chốt ở đây chính là niềm tin giữa các phe phái chưa bao giờ được khôi phục. Nếu như chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cam kết thực thi kế hoạch hòa bình của đặc phái viên Kofi Annan thì ngược lại, các tổ chức đối lập ở nước này lại tấn công để giành quyền kiểm soát những khu vực quan trọng của một số thành phố. Đó là chưa kể đến những tiết lộ mới đây của các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về nguồn vũ khí từ bên ngoài tuồn vào Syria ngày càng gia tăng. Lực lượng đối lập chống Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria đã bắt đầu nhận được một lượng vũ khí nhiều hơn, hiện đại hơn. Với diễn biến như vậy chẳng khó để dự báo nguy cơ đối đầu về quân sự giữa các tay súng đối lập với quân đội chính phủ Syria là không thể tránh khỏi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giải pháp hoà bình cho quốc gia Trung Đông này vẫn là bài toán chưa có lời giải./.

Phản hồi

Các tin/bài khác