Hà Nội, thành phố hội nhập và phát triển

(VOV5) - Thủ đô Hà Nội đã vượt qua biết bao khó khăn, từng bước xây dựng và phát triển, xứng đáng là trái tim của cả nước, xứng đáng với danh hiệu là thành phố vì hoà bình.

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày được giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2014), Thủ đô Hà Nội đã vượt qua biết bao khó khăn, từng bước xây dựng và phát triển, xứng đáng là trái tim của cả nước, xứng đáng với danh hiệu là thành phố vì hoà bình mà Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã vinh danh.


Hà Nội, thành phố hội nhập và phát triển  - ảnh 1
Hệ thống giao thông vành đai của Hà Nội rất phát triển Ảnh: Hoàng Long

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội những năm gần đây, không chỉ những người xa Thủ đô mà cả những người đang sinh sống ở Thủ đô cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất địa linh, nhân kiệt này. Đặc biệt, kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2010, Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính đã tạo ra bước ngoặt lịch sử, đưa Hà Nội bước vào thời kỳ phát triển mới.

 Xây dựng Hà Nội là thành phố văn minh, hiện đại

 Trong 6 năm qua, Hà Nội đã căng sức giải quyết hàng loạt các vấn đề lớn với một khối lượng công việc không nhỏ, nhất là thực hiện thành công việc quy hoạch, hoàn thiện bộ máy quản lý, đáp ứng nhu cầu mở rộng Thủ đô. Thủ đô Hà Nội đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Hà Nội được mở rộng  với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, một phần của tỉnh Bắc Ninh và một số xã của tỉnh Hoà Bình. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các công trình lớn mang tầm thế kỷ đã hình thành cùng với những khu đô thị mới mọc lên nhanh chóng ở phía Tây và Tây Nam thành phố. Đó là hệ thống các trục đường giao thông hiện đại như:  Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên, đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, các đường vành đai 1,2,3  kết nối trục trung tâm với 5 khu đô thị vệ tinh là: Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Hệ thống giao thông với những cây cầu xây mới và hiện đại như: Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân... nối hai bờ sông Hồng, đã tạo nên diện mạo thanh tân cho Thủ đô. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết:  Thủ đô Hà Nội hiện có diện tích bằng 1%  diện tích của đất nước với 3.400 km2, dân số cũng chiếm khoảng 10% dân số cả nước (khoảng 9 triệu người). Các hoạt động kinh tế đóng góp gần 10% tổng sản phẩm quốc gia, thu ngân sách chiếm khoảng 20%, xuất khẩu cũng khoảng 9%... Những số liệu ấy cùng với khẳng định trong Hiến pháp, trong Luật Thủ đô đã đưa Hà Nội trở thành Trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, Trung tâm văn hoá, giáo dục và khoa học công nghệ, Trung tâm kinh tế, thương mại và giao dịch quốc tế.

Tập trung sức cho phát triển kinh tế 

Sau những năm đầu phải tập trung sức đáp ứng cho nhu cầu phát triển mở rộng thủ đô, mọi mặt kinh tế xã hội của Hà Nội đang trên đà phát triển. Tổng sản phẩm quốc nội GDP của thành phố giai đoạn 2008-2014 đạt bình quân 9,2%, trong đó các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông lâm, thuỷ sản đều  tăng trưởng khá. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, GDP bình quân đạt 6,4% và dự kiến cả năm nay GDP của Hà Nội có thể đạt hơn 9% , tăng gấp 1,5 lần so với cả nước. Những năm gần đây, Hà Nội liên tục là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 10% GDP,  khoảng 9% kim ngạch xuất khẩu. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.


Hà Nội, thành phố hội nhập và phát triển  - ảnh 2
Làng lụa Vạn Phúc


Cùng với sự lớn mạnh và phát triển nhanh về kinh tế, Hà Nội đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, Hà Nội đã thiết lập quan hệ với hơn 100 Thủ đô và thành phố của 50 nước và vùng lãnh thổ. Hà Nội hiện là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế như: Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới, Hiệp hội thị trưởng các nước có sử dụng tiếng Pháp, mạng lưới các thành phố lớn ở châu Á…

Thủ đô Hà Nội hướng về tương lai

Để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, trong chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, cùng với việc ban hành các chính sách tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, Hà Nội đẩy mạnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng  theo hướng đồng bộ, mà trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông hiện đại. Hình bóng của một Thủ đô hiện đại hội nhập và phát triển đã định hình. Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo, Thành ủy Hà Nội, cho biết: Hà Nội trong quy hoạch được tổ chức phát triển không gian của Thủ đô theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm với 5 khu đô thị và các thị trấn vệ tinh, được kết nối bằng hệ thống đường vành đai gắn với mạng lưới giao thông liên kết, liên vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh bằng các hành lang xanh, chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên. Mỗi khu đô thị vệ tinh có những hoạt động riêng, tương đối độc lập, nhưng tạo không gian kinh tế và hỗ trợ nhau hoàn chỉnh.

 Kỷ niệm tròn 60 năm ngày giải phóng Thủ đô ngày 10/10 /2014 cũng là dịp để chính quyền và nhân dân Thủ đô nhìn lại quá trình lịch sử xây dựng và phát triển. Các hoạt động kỷ niệm cũng là dịp để các cấp chính quyền và người dân thành phố nhân diện rõ nét hơn cơ hội, thách thức, những bài học kinh nghiệm và từ đó nhìn về tương lai để  xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững và toàn diện trong giai đoạn tiếp theo./.



Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác