Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Nhân dịp đầu năm mới 2012, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có bài viết “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”. Biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam trích giới thiệu bài viết này.

 

Mở đầu bài viết, Thủ tướng nêu rõ Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định rõ là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Tiền đề để thực hiện thành công nhiệm vụ này là triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vừa là một khâu đột phá then chốt, có tác động trực tiếp đến quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

 

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng thể chế đó vẫn chưa đồng bộ, các yếu tố của kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ. Từ thực tiễn này, trong năm 2012, phải tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo quan điểm đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định.

 

Thủ tướng cho rằng phải xuất phát từ những đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường hiện đại để làm chuẩn mực cho quá trình hoàn thiện thể chế. Những đặc trưng cơ bản của thể chế kinh tế thị trường hiện đại gồm: Thứ nhất, các loại thị trường phát triển đồng bộ, các yếu tố của kinh tế thị trường hình thành đầy đủ, vận động cùng nhịp, hỗ trợ lẫn nhau, cùng tương tác trong một chỉnh thể thống nhất. Thứ hai, thể chế kinh tế thị trường hiện đại đòi hỏi phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thị trường. Thứ ba, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình về các chính sách quản lý, các đề án phát triển cũng như trong hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Thứ tư, thể chế kinh tế thị trường hiện đại trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi phải định vị lại mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Và cuối cùng, một thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải hướng về người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm chủ thể. Phải không ngừng hoàn thiện các thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát triển các trung tâm bảo vệ người tiêu dùng. Một thể chế kinh tế thị trường hiện đại với những đặc điểm trên sẽ tạo điều kiện để đất nước tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong một thế giới đang toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng và cạnh tranh gay gắt.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trên cơ sở chỉ ra được những đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường hiện đại đó, Việt Nam xây dựng các khâu đột phá chiến lược, tiền đề của tái cơ  cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trên cơ sở tầm nhìn của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã đặt yêu cầu thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngay trong thời kỳ kế hoạch 2011 - 2015.

 

Mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế  và cơ cấu các ngành sản xuất, dịch vụ theo yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế để có thể tham gia vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

 

Quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ được thực hiện đồng bộ trên 3 nội dung. Đó là tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ; tái cơ cấu doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường. Đi liền với việc tái cơ cấu các lĩnh vực trên là phải tái cơ cấu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo một quy hoạch và một hệ thống phân cấp được rà soát chặt chẽ theo tầm nhìn dài hạn và tư duy liên vùng. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, tập trung cho các công trình thiết yếu. Giảm tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội; hoàn thiện cơ chế khuyến khích để thu hút mạnh đầu tư của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài, phát triển các phương thức đầu tư, đặc biệt là phương thức hợp tác công - tư (PPP), nâng cao hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế phải được thực hiện trong suốt quá trình công nghiệp hóa nhưng phải được bắt đầu ở những lĩnh vực cấp bách nhất, đó là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

 

Trong bài viết, Thủ tướng khẳng định để thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong năm 2012, cùng với việc sớm phê duyệt đề án phát triển thị trường công nghệ, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; quy định tiêu chuẩn công nghệ trong Luật Đầu tư công và các dự án đấu thầu; khuyến khích mạnh các dự án áp dụng công nghệ mới và các dự án có lập trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ; tăng cường hợp tác công - tư trong việc hình các quỹ đầu tư mạo hiểm về khoa học công nghệ… Xây dựng văn bản pháp lý cao hơn để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong năm 2012 phải tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp.

 

Cuối bài viết, Thủ tướng cho rằng Việt Nam có thuận lợi cơ bản là đã tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong cả hệ thống chính trị, có sự quyết tâm cao trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là tiền đề căn bản để biến quyết tâm thành hành động, vượt qua sức ỳ của quá trình khởi động, đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới - quỹ đạo phát triển bền vững./.

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác