Hội nghị Chicago: Nơi để cam kết

(VOV5)- Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 21/5 kết thúc tại Chicago (Mỹ), sau 2 ngày họp. Hội nghị đã ra nhiều tuyên bố chung quan trọng như tiến trình chuyển giao tại Afganistan, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa liên châu Âu,  vấn đề nâng cao năng lực quân sự của NATO. Tuy nhiên, dư luận đánh giá với những cam kết này, liên minh quân sự lớn nhất thế giới đang lúng túng trong việc nuôi dưỡng và thực hiện giấc mơ toàn cầu của mình.

 Hội nghị Chicago: Nơi để cam kết - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Reuteur)


Đúng như dự đoán ban đầu, Afganistan chính là chủ đề quan trọng nhất với các nguyên thủ 28 nước thành viên NATO tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Chicago. Cũng dễ hiểu bởi cuộc chiến Afganistan kéo dài đã hơn một thập kỷ nên muốn hay không muốn thì cuối cùng Mỹ và NATO cũng phải tính đến chuyện rút chân. Hơn thế nữa, từ lâu Afganistan đã không còn là nơi để khuếch trương sức mạnh mà thực sự là vũng lầy đầy ám ảnh với Mỹ và NATO. Do vậy khi thông báo kế hoạch rút quân khỏi Afganistan, người đứng đầu NATO, Tổng thư ký An-đớt Phốc Ra-xmút-xen (Anders Fogh Rasmussen) đã tuyên bố Cùng đến và cùng đi. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO đã cam kết ủng hộ lộ trình rút binh lính NATO khỏi Afganistan đúng kế hoạch vào cuối năm 2014 và sau năm 2014 vẫn tiếp tục hỗ trợ nhiều mặt cho chính phủ và người dân nước này. Để thực hiện lộ trình đó, NATO sẽ huấn luyện các lực lượng quân đội và cảnh sát Afganistan đủ để tiếp quản trách nhiệm bảo đảm an ninh sau khi NATO rút quân. Đồng thời NATO mong muốn việc rút quân này phải chuyển tải được thông điệp rằng sứ mạng của NATO tại Afganistan suốt hơn một thập kỷ qua là một thành công, dù phải chịu nhiều tổn thất.


Hội nghị cũng  đã cam kết sẽ dành 1 tỷ USD để hỗ trợ cho các lực lượng an ninh Afghanistan, sau khi NATO rút quân khỏi chiến trường Nam Á này vào năm 2014. Cam kết tài chính này không đủ như lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barak Obama trước đó khi kêu gọi các đồng minh NATO đóng góp 1,3 tỷ USD cho Afghanistan. Đó là chưa nói tới con số này còn kém xa so với 4,1 tỷ USD của Chính phủ Mỹ để duy trì hoạt động của quân đội và cảnh sát Afghanistan từ năm 2015 - 2017.


Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, cam kết tài chính này cũng đã là 1 thành công vì trong bối cảnh hiện nay, điều này hoàn toàn không phải là giấc mơ dễ thực hiện khi mà các nước thành viên NATO phải đối mặt với đủ thứ khó khăn và sự trỗi dậy của lực lượng Taliban ở Afganistan và nhất là chuyện ai sẽ chi tiền cho Afganistan sau năm 2014. Chuyện chia tỷ lệ trách nhiệm đóng góp trở nên nan giải khi cơn bão nợ kéo dài 2 năm qua vẫn hoành hành nhiều quốc gia thành viên NATO. Mặc dù thành viên NATO nào cũng lớn tiếng cam kết tiếp tục hỗ trợ nhiều mặt cho Chính phủ và người dân Afganistan, tuy nhiên khi đề cập đến con số cụ thể thì mọi chuyện dường như không êm thấm như vậy. Trên thực tế, ngoại trừ Mỹ, tất cả các nước thành viên khác của NATO dường như đang làm tất cả những gì có thể nhằm giảm thiểu phần đóng góp của mình. Đến nay chỉ duy nhất quốc gia nhỏ bé Luxembourg đưa ra con số đóng góp cụ thể, cho dù con số đó rất khiêm tốn. Còn Đức chỉ đưa ra một tuyên bố mập mờ, theo đó Berlin sẽ cung cấp một khoản đóng góp đáng kể. Anh thậm chí còn cẩn trọng hơn khi cam kết sẽ đóng góp 110 triệu USD/năm. Con số này gây sốc cho nhiều người bởi nó quá nhỏ khi Anh là nước có lực lượng binh sĩ nhiều thứ 3 tại Afganistan. Theo các nhà phân tích chính trị thì những cam kết này có lẽ liên quan đến việc duy trì quan hệ tốt với Mỹ hơn là vì Afganistan. Bà Heather Conley, Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Âu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế ở Waghington, nhận xét rằng Hội nghị thượng đỉnh 2 ngày là một cái gì đó giống như một sự phô diễn và muốn tạo cho chúng ta một cảm giác về những cam kết sau năm 2014 của các nước trong liên minh NATO.


Một vấn đề quan trọng khác là tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí khởi động giai đoạn đầu của hệ thống phòng thủ tên lửa liên châu Âu bất chấp sự phản đối từ phía Nga. Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh tuyên bố có thể sẽ cử một tàu chiến Mỹ mang theo các máy bay đánh chặn tới Địa Trung Hải và thiết lập một hệ thống rađa cảnh báo sớm tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của NATO từ một căn cứ đóng ở Đức. Hệ thống lá chắn tên lửa của NATO do Mỹ đứng đầu dự định triển khai ở châu Âu được chia làm 4 giai đoạn và sẽ đưa vào hoạt động đầy đủ vào năm 2018. Tuyên bố này bất chấp việc Nga luôn kịch liệt phản đối hệ thống lá chắn tên lửa này đồng thời coi đây là một mối đe dọa an ninh. Dường như để xoa dịu phản ứng từ phía Nga, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết liên minh này đã mời Nga cùng hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa và lời mời này vẫn còn giá trị. Ông Rasmussen khẳng định NATO sẽ tiếp tục đối thoại với Nga đồng thời bày tỏ hy vọng Nga sẽ nhận thấy rằng sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên.


Tuy Hội nghị thượng đỉnh NATO đã đạt được một số kết quả nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. Dư luận vẫn hoài nghi về quá trình triển khai kế hoạch của NATO khi mà liên minh quân sự này đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn không chỉ về kinh tế mà còn ở đường lối đối ngoại của các quốc gia thành viên./.

Phản hồi

Các tin/bài khác