Hội nghị COP-22 biến Thỏa thuận Paris thành hành động

(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 22 (COP22) đang diễn ra tại thành phố Marrakech của Marocco với sự tham dự của các phái đoàn của gần 200 quốc gia trên thế giới. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng bởi Hội nghị lần này xác định các hành động cụ thể của các quốc gia tham gia chống lại sự nóng lên của Trái Đất, tìm sự đồng thuận về cách thức thực hiện Hiệp định Paris với mục tiêu: Biến thỏa thuận lịch sử Paris thành hành động cụ thể.

Hội nghị COP-22 biến Thỏa thuận Paris thành hành động - ảnh 1
Phiên khai mạc Hội nghị COP22 ở thành phố Marrakech, Maroc ngày 7/11. (AFP/TTXVN)

Tại hội nghị COP lần này, hàng loạt các bên tham gia sẽ cùng thảo luận các vấn đề còn đang gây chia rẽ, từ các nguồn năng lượng tái sinh cho tới hạn ngạch giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, mục tiêu chính là triển khai thực thi thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu đã ký kết tại Paris trong COP21 năm 2015 (gọi tắt là Thỏa thuận Paris). Thỏa thuận Paris là cơ sở pháp lý toàn cầu trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới tăng trưởng kinh tế carbon thấp, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.


Thỏa thuận Paris, cơ sở pháp lý toàn cầu về biến đổi khí hậu

Thỏa thuận Paris chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11 sau khi được 100 quốc gia, chiếm tới 68% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, phê chuẩn. Con số này đã vượt mức quy định là có ít nhất 55 quốc gia phê chuẩn hiệp định này. Trước đó, tại Hội nghị COP-21 tại Paris, khoảng 171 nước và tổ chức tham gia ký kết hiệp ước chống biến đổi khí hậu. Đây được coi là bản thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu có tham vọng mạnh mẽ nhất từng được đàm phán. Với 29 điều, Thỏa thuận tập trung giải quyết toàn diện các nội dung trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Có thể nói, Thỏa thuận Pari đã giải quyết cơ bản sự khác biệt về trách nhiệm giữa các nước phát triển, đang phát triển và xây dựng trên nền tảng các quốc gia cùng cam kết thực hiện những nỗ lực một cách tốt nhất.

Hội nghị COP-22 biến Thỏa thuận Paris thành hành động - ảnh 2
Chủ tịch COP22 Salaheddine Mezouar phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị COP22 ở thành phố Marrakech, Maroc ngày 7/11. (AFP/TTXVN)

Những điểm chính của Thỏa thuận Paris bao gồm giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới ngưỡng 20C và có các nỗ lực giới hạn mức độ ấm lên của trái đất không quá 1,50C; Giới hạn lượng khí nhà kính thải ra từ các hoạt động của con người bằng với mức độ mà thực vật, đất và các đại dương có thể hấp thụ một cách tự nhiên; Cứ 5 năm một lần xem xét lại mức độ đóng góp của các quốc gia đối với việc cắt giảm phát thải khí nhà kính để các quốc gia có thể đương đầu với thách thức; Các nước giàu giúp các nước nghèo bằng cách cung cấp khoản tài chính nhằm giúp các nước nghèo thích nghi với biến đổi khí hậu và chuyển sang dùng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các bên phải xây dựng và thực hiện Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia, trong đó nêu chi tiết các ưu tiên thích ứng, hỗ trợ cần thiết và kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, Thỏa thuận cũng đề ra các cơ chế chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó khuyến khích hợp tác song phương, đa phương, khu vực để thúc đẩy thực hiện các nội dung của Thỏa thuận.

Tính đến nay, hơn 100 quốc gia đã phê chuẩn Thỏa thuận này. Đáng chú ý, Trung Quốc và Mỹ, 2 quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu lớn nhất, hồi tháng 9 vừa qua cũng đã trình văn bản chính thức phê duyệt Thỏa thuận Paris. Động thái này đã tác động mạnh đến quyết định phê duyệt của nhiều nước khác, bởi đây là lần đầu tiên đại diện cho 2 nhóm quốc gia đã và đang phát triển khẳng định quyết tâm giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2oC vào cuối thế kỷ.

Biến cam kết thành hành động

Thách thức lớn nhất để thỏa thuận này có hiệu quả thực tế là các quốc gia sẽ thực hiện cam kết của mình đến đâu. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay dù có sự tham gia của nhiều nước nhưng yếu tố quyết định lại nằm ở chính những quốc gia xả khí thải nhiều nhất. Vì vậy, để tránh trình trạng chỉ đạt được sự đồng thuận về chính trị mà khó triển khai trên thực tế, giống như Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí nhà kính đã có trước đó, COP-22 lần này nhấn mạnh đến việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định trong Thỏa thuận. Theo đó, các bên tham gia tập trung vào vấn đề kỹ thuật, nhằm xây dựng quy trình, thủ tục, hướng dẫn việc triển khai Thỏa thuận này. Ngoài ra, mục tiêu tiếp theo của COP-22 là làm rõ mức độ đóng góp cho thỏa thuận Paris đối với các nước đang phát triển.

Biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của tất cả các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến ứng phó. Mỗi quốc gia có điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau nên có những cách thức khác nhau để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu không thống nhất được cách thức giải quyết thì sẽ không thể nào tạo ra sức mạnh tổng hợp. Thỏa thuận Pari chính là công cụ để tất cả các quốc gia cùng thực hiện nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp. Sau thất bại của Nghị định thư Kyoto năm 1997 và COP15 tại Copenhagen, Đan Mạch năm 2009, đã đến lúc các quốc gia phải tìm bằng được sự đồng thuận về cách thức thực hiện Hiệp định Paris, nhằm thúc đẩy tiến trình giảm khí thải nhà kính, khởi động công cuộc phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác