(VOV5) - Theo dự kiến, ngày 22/1, Hội nghị hoà bình về Syria (Geneva II) diễn ra tại thành phố Montreux, Thụy Sĩ. Hội nghị được kỳ vọng sẽ khởi động tiến trình thành lập một chính phủ chuyển tiếp để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua ở Syria. Tuy nhiên, những quan điểm mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc giữa các bên đã phủ bóng đen lên hội nghị.
|
Đàm phán tại Geneva 2 liệu có giúp hồi sinh một Syria tan hoang vì nội chiến? (Ảnh AFP) |
Phái đoàn Syria sẽ do Ngoại trưởng Walid Al-Muallem dẫn đầu. Ngoài ra còn có Thứ trưởng Faisal al-Moqdad, Cố vấn Tổng thống Bouthaina Shaaban, đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar al-Jaafari. Ahmad Jarba, Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria (SNC), sẽ là người đứng đầu phe đối lập tham dự hội nghị. Cùng với đó là khoảng 10 đại biểu đại diện cho các sắc tộc, nhóm đối lập tại Syria, đại diện của hơn 40 nước và tổ chức quốc tế.
Hội nghị Geneva II được khởi động từ ngày 22/1 với một cuộc họp cấp Ngoại trưởng do Tổng Thư ký Ban Ki-moon chủ trì. Đàm phán chính thức tại Geneva bắt đầu 2 ngày sau đó.
Quan điểm trái ngược giữa đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập
Mặc dù Liên minh dân tộc Syria (SNC) chính thức xác nhận sẽ tham dự Geneva II sau khi Liên hợp quốc (LHQ) rút lại lời mời Iran, đồng minh chủ chốt của chính quyền Tổng thống Assad, nhưng những tuyên bố cứng rắn, không mang tính xây dựng vẫn được SNC đưa ra. Đại diện SNC tuyên bố rằng SNC tham gia với mục đích duy nhất là lật đổ Tổng thống al-Assad. Trong khi đó, các nhóm đối lập khác ở Syria quyết định không cử đại diện tham dự vì coi đây là một "công cụ lừa bịp".
Đáp lại tuyên bố trên, Chính phủ Syria thẳng thừng khẳng định sẽ không chấp nhận yêu cầu của phe đối lập đòi Tổng thống al-Assad từ chức. Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem nói rằng những người đòi ông al-Assad ra đi cần tỉnh giấc mộng. Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì nêu rõ ông sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ mới trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 6 tới và kêu gọi Hội nghị hãy tập trung vào "cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố" mà thực chất là chấm dứt sự hỗ trợ cho những nhóm khủng bố có vũ trang ở Syria. Đây sẽ là một phần quan trọng cho bất kỳ một giải pháp chính trị thành công nào đối với khủng hoảng ở Syria.
Quan điểm trái ngược không chỉ tồn tại giữa đại diện Chính phủ Syria với Liên minh dân tộc mà còn nảy sinh ngay trong nội bộ SNC. Bằng chứng là sau khi Liên minh Dân tộc (SNC) khẳng định sẽ tham dự Hội nghị hòa bình Geneva II, Hội đồng dân tộc Syria, nhóm đối lập lớn nhất ở quốc gia này, lại tuyên bố sẽ rút khỏi Liên minh Dân tộc Syria để phản đối hội nghị. Lý do là việc tham gia hội nghị Geneva II sẽ không giữ đúng "cam kết" về việc không tham gia đàm phán cho tới khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực.
Iran bất ngờ bị gạt ra ngoài lề
Trong khi chính phủ của Tổng thống Assad và phe đối lập còn bất đồng sâu sắc về nhiều nội dung trước thềm hội nghi thì việc Liên hợp quốc bất ngờ hủy lời mời Iran, đồng minh chủ chốt của chính quyền Tổng thống Assad, tham gia hội nghị vào phút chót được cho là sẽ gây ra thêm những xáo trộn mới.
Dư luận vẫn chưa quên tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phê phán thái độ thiếu thiện chí của phe đối lập Syria đối với việc Iran tham dự Hội nghị hòa bình Geneva II. Ông Sergei Lavrov nêu rõ nếu Iran không tham dự hội nghị này, phiên họp toàn thể sẽ giống như "một trò đùa". Theo ông, Chính phủ Syria đã đồng ý ngồi vào bàn thương lượng mà không đưa ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào, do đó các nước trực tiếp hỗ trợ tài chính và trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria cũng phải có hành động tương tự.
Từ Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi (Hong Lei) đã nhấn mạnh vai trò của các nước trong khu vực là rất quan trọng. Bắc Kinh ủng hộ các nước này thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.
Vì vậy, việc Liên hợp quốc rút lại lời mời Iran, chắc chắc sẽ gây ra những phản ứng mới từ Nga và Trung Quốc đồng thời sẽ tạo ra những khó khăn nhất định trên con đường tìm tới giải pháp tích cực cho vấn đề Syria.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon từng gọi Hội nghị Geneva II là "một phương tiện cho chuyển tiếp hòa bình". Tuy nhiên những gì đang diễn ra có vẻ đi ngược lại mong muốn và kỳ vọng của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này./.