Hội nghị thượng đỉnh Nga – EU: Tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược

Sau 2 ngày nhóm họp (14 và 15/12), Hội nghị thượng đỉnh Nga - Liên minh Châu Âu (EU) lần thứ 28, tại Brussels (Bỉ) đã mang lại nhiều tia hy vọng, khi hai bên khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược, đạt thỏa thuận về việc bãi bỏ chế độ thị thực ngắn hạn cũng như việc Nga trở thành thành viên mới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...

 Hội nghị thượng đỉnh Nga – EU: Tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược - ảnh 1

Nội dung chính được bàn thảo tại hội nghị lần này là 3 vấn đề nổi cộm. Đó là các vấn đề toàn cầu như cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó có cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Nga và EU phối hợp hành động trong khuôn khổ Nhóm các nước công nghiệp phát triển(G-8) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), hai bên ký hiệp định liên quan đến việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Tiếp theo là những vấn đề quốc tế cấp bách, cụ thể là tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có Iran và Syria, cùng tình hình Kosovo. Cuối cùng là mối quan hệ Nga-EU, gồm triển vọng hai bên hiện thực hóa quy chế miễn thị thực và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Trước hội nghị, dư luận hoài nghi về mức độ thành công của cuộc gặp quan trọng này. Trước hết, trong nội bộ EU đang xuất hiện những rạn nứt trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay. Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và EU cũng không được "xuôi chèo mát mái". Việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) tại Ba Lan và Cộng hòa Séc đã khiêu khích Nga. Moscow xem đây như một mối đe dọa có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng chiến lược. Thậm chí, mới đây, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Đại tướng Nikolai Makarov đã khẳng định, NMD hiện là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ giữa Nga và EU. Tuy nhiên, tư tưởng gạt qua những bất đồng, hướng tới những mục tiêu chung mang lại thịnh vượng cho khu vực thông suốt trong quá trình diễn ra hội nghị đã mang lại những kết quả khởi sắc.


Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Nga - EU, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy, đã nhấn mạnh việc thông qua các biện pháp chung và điều chỉnh các thỏa thuận về miễn thị thực là một bước tiến quan trọng hướng tới tự do đi lại và tăng cường hoạt động giao lưu của người dân hai bên. Sau gần 8 năm đàm phán, thỏa thuận mới về miễn thị thực sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch giữa Nga và các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải. Lượng khách du lịch tới Nga ước tính sẽ tăng mạnh, trong khi đó các thương nhân Nga cũng có nhiều điều kiện hơn để tìm kiếm cơ hội hợp tác ở Châu Âu. Thêm vào đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận trong việc Nga trở thành thành viên mới của WTO.


Dư luận cho rằng, những kết quả đạt được tại Hội nghị lần này là do lòng tin giữa hai bên đã và đang được tạo dựng. Về
phần mình, Nga đã ra tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tài chính, thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng tại khu vực. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev còn khẳng định, chỉ châu Âu mới có thể giúp được châu Âu. Theo đó, Moscow sẽ tuân thủ những cam kết thành viên của IMF và sẵn sàng cân nhắc các biện pháp đầu tư tài chính cần thiết để giúp kinh tế châu Âu và khu vực đồng euro (eurozone) phục hồi. Mặc dù, Tổng thống D. Medvedev không cho biết cụ thể khoản trợ giúp châu Âu của Nga thông qua IMF, nhưng theo tuyên bố trước đó của một cố vấn tổng thống Nga, con số này sẽ lên tới 20 tỷ USD, trong đó 10 tỷ USD sẽ được giải ngân trong vài tuần tới. Cùng với đó, hai bên đã đạt được một số sự đồng nhất trong vấn đề quốc tế như ủng hộ hành động của Hội đồng Bảo an LHQ và kế hoạch của Liên đoàn Arab trong vấn đề Syria, tích cực tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Iran hiện nay.


Với kết quả của hội nghị, quan hệ Nga - EU đã được sưởi ấm, tác động tích cực để giải quyết những bất đồng hiện nay. Nhưng trên hết, mối quan hệ tốt đẹp ấy sẽ mang lại nhiều điều kiện cho người dân của hai bên. Bởi hiện nay, EU là đối tác thương mại chính của Nga và là nguồn đầu tư nước ngoài cơ bản đối với nền kinh tế Nga. Nga cũng là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của EU (cùng với Mỹ và Trung Quốc) và là nhà cung cấp năng lượng chính cho châu Âu./.

Ánh Huyền

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác