Internet - quản lý đi đôi với tạo điều kiện để phát triển

Internet - quản lý đi đôi với tạo điều kiện để phát triển - ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


(VOV5) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa  trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng. Đây những quy định phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam để điều chỉnh các hoạt động xã hội, trong đó có việc sử dụng Internet, nhằm đảm bảo ổn định và trật tự xã hội, tránh để Internet bị lợi dụng vào việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới cộng đồng.

Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông khi xây dựng dự thảo Nghị định là không chỉ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thêm các cơ sở quản lý mà còn góp phần hoàn thiện khung hành lang pháp lý bền vững hơn vì thực tế, sự hợp lý giữa quản lý hiệu quả và tạo điều kiện cho Internet phát triển vốn là một bài toán khó không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Dự thảo Nghị định mới có khá nhiều điểm thay đổi cho phù hợp với tình hình phát triển của dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet hiện nay, quy định chi tiết hơn về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, trang thông tin điện tử, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng…. Với xu hướng phát triển hiện nay, việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực Internet nữa mà nó còn bao gồm cả các dịch vụ viễn thông cố định và di động. Đi kèm với phạm vi điều chỉnh, quy định cụ thể về dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động và cố định cũng được xây dựng trong dự thảo Nghị định mới này.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một Nghị định mới về việc quản lý Internet là một biểu hiện sinh động về việc Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện cho Internet, phương tiện thông tin, truyền thông phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: “Trước hết, phải khẳng định rằng Việt Nam hết sức quan tâm tạo điều kiện để phát triển Internet. Quan điểm này được thể hiện cụ thể nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách quản lý Internet, như Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Nghị định số 97 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet, trong đó nêu rõ: Khuyến khích việc ứng dụng Internet trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để nâng cao năng suất lao động, mở rộng các hoạt động thương mại, hỗ trợ cải cách hành chính, tăng tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm an ninh quốc phòng. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn pháp luật về Internet. Có biện pháp để ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm các quy định của pháp luật và để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của Internet. Đây là chính sách quản lý nhằm thúc đẩy sự phát triển Internet mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới. Và Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách phát triển Internet theo định hướng như vậy”.

Việt Nam chính thức kết nối với mạng internet toàn cầu từ cuối năm 1997. Đến nay, sau gần 15 năm phát triển, Việt Nam đã có hơn  30,8  triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 35% dân số với hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ Internet. Internet tại Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng nhanh chóng trong một vài năm trở lại đây. 10 năm trở lại đây, số người sử dụng internet cũng như số lượng các trang web tại Việt Nam đã tăng trưởng một cách ổn định, các nguồn lực kỹ thuật cho việc kết nối Internet cũng không ngừng mở rộng. Hiện nay Việt Nam có cả trăm báo điện tử, hàng ngàn trang điện tử của các cơ quan báo chí, tổ chức đoàn thể xã hội và hàng triệu blog cá nhân với rất nhiều mạng xã hội đang hoạt động. Tính về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Điều này cho thấy hiệu quả của chính sách thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam và Internet đang ngày càng trở nên phổ cập và quen thuộc với người sử dụng ở Việt Nam. Do vậy, một số luận điệu cho rằng Việt Nam cản trở sự phát triển của Internet là trái với thực tế đang diễn ra tại Việt Nam. Về điều này, ông Lưu Vũ Hải cho biết thêm: “Quan điểm xây dựng chính sách quản lý Internet của hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, đó là thúc đẩy phát triển Internet, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận Internet một cách thuận lợi phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế. Trên thực tế, hệ thống luật pháp của các nước còn có sự khác biệt, ngay trong bản thân một nước, hệ thống luật pháp của nhiều bang cũng còn khác nhau. Vì vậy, nếu đòi hỏi tự do Internet theo cách hiểu chỉ của một phía là chưa tính đến sự khác biệt này. Một sự thật hiển nhiên là tại Việt Nam, người dân có thể truy cập Internet dễ dàng, tự do và với một chi phí rất thấp là điều khó có thể thấy ở nhiều nước khác”

Thực tế cũng cho thấy bất cứ quốc gia văn minh nào cũng thừa nhận một điều: Đóng cửa Internet không những tự mình “kéo lùi” lịch sử, mà còn đi ngược lại xu thế phát triển trong thời đại toàn cầu hóa thông tin hiện nay. Tuy nhiên, Intenet dù mang lại rất nhiều tiện ích cho con người, nhưng không phải là “chiếc chìa khóa vạn năng” để giải quyết được mọi vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Tạo điều kiện để Internet phát huy những ưu thế vượt trội để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng mặt khác, Việt Nam cũng nỗ lực quản lý để ngăn ngừa những hạn chế và hệ lụy mà Internet mang lại. Việc làm này không ngoài mục đích nhằm bảo đảm ổn định trật tự xã hội, hạn chế tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực của Internet đối với cộng đồng. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đã và đang làm như vậy.Đây cũng chính là xu thế tất yếu của bất kỳ thể chế chính trị nào để quản lý xã hội./.

Phản hồi

Các tin/bài khác