Kết nối lợi ích ASEAN-Hoa Kỳ

(VOV5) - Mở rộng quan hệ đối ngoại, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình là một trọng tâm ưu tiên của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22, đang diễn ra ở Brunei. Trong các đối tác quan trọng của ASEAN, Mỹ ngày càng được ASEAN xem như là một đối tác chủ chốt.

Nằm ở khu vực Châu Á đang phát triển năng động, ASEAN là một tổ chức gồm 10 quốc gia thành viên, có tổng dân số hơn 600 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 2.100 tỷ USD/năm. 46 năm tồn tại, ASEAN đã phát triển thành một trong những tổ chức khu vực quan trọng nhất của thế giới. Về phương diện kinh tế, ASEAN đã tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất quốc tế. Về mặt chiến lược, ASEAN đóng vai trò quan trọng như là một bên tham gia trung lập trong khu vực Châu Á rộng lớn. Khu vực này nằm trên các tuyến đường biển quan trọng và nằm giữa các cường quốc kinh tế của Châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản ở Đông Á và Ấn Độ ở Nam Á. Ngoài ra, vùng biển giàu trữ lượng năng lượng cũng làm cho khu vực này có thêm tầm quan trọng chiến lược. Trong khi đó, Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP đạt hơn 15 nghìn tỷ USD. Đây là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới với tổng giá trị thương mại lên đến 3.700 tỷ USD.


Kết nối lợi ích ASEAN-Hoa Kỳ - ảnh 1
Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirt trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 44 (AEM-44)


Thực tế, ASEAN và Hoa Kỳ đã có một mối quan hệ song phương sâu sắc. Về thương mại đầu tư, ASEAN chiếm 153 tỷ USD đầu tư của Hoa Kỳ, nhiều gấp 3 lần mức 45 tỷ USD vào Trung Quốc và gần 10 lần mức 16 tỷ USD vào Ấn Độ. Con số này thậm chí còn chưa tính tới đầu tư vào ngành dầu khí, với số lượng có thể làm tổng số tiền tăng gấp đôi. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ASEAN và ASEAN là thị trường lớn thứ 4 của Hoa Kỳ. Chiếm 1/3 số thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, các nước thành viên của ASEAN cũng đang thúc đẩy việc hình thành Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trên cơ sở Hiệp định khung về thương mại và đầu tư ASEAN-Mỹ (TIFA), hai bên đang nỗ lực đàm phán để tiến tới hình thành 1 Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) trong thời gian tới.


Về các lợi ích an ninh và chiến lược, trong khi Thái Lan và Philippin là đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ thì Singapore là đối tác an ninh và đối tác Hiệp định thương mại tự do. Các nước khác như Indonesia, Việt Nam có những lợi ích chung quan trọng với Hoa Kỳ và nhiều khả năng sẽ trở thành những đối tác an ninh và chiến lược gần gũi hơn trong những năm tới. Đến nay, Hoa Kỳ đã tham gia hàng loạt cơ chế hợp tác với ASEAN, trong đó phải kể đến là Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hiệp ước hợp tác và thân thiện Đông Nam Á (TAC), Cấp cao Đông Á (EAS) và cũng là thành viên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng có các mối quan hệ song phương và đa phương với các nước ASEAN, từ giáo dục, văn hóa và trao đổi con người, đối thoại tín ngưỡng, quản lý rủi ro thảm họa, y tế, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đến chống buôn bán ma túy, chống khủng bố…. Hoa Kỳ và ASEAN cũng luôn chia sẻ lợi ích về tự do hàng hải ở khu vực biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Rõ ràng, ASEAN và Hoa Kỳ đang ngày càng tỏ rõ cam kết vững chắc của mình trong việc xác định một chiến lược quan hệ đối tác lâu dài. Về phần mình, kết nối lợi ích với một trong những đối tác lớn ngoài khu vực như Mỹ, ASEAN có thể hiện thực hóa chính sách, vừa ưu tiên thúc đẩy liên kết, xây dựng cộng đồng, vừa tăng cường quan hệ đối ngoại, qua đó đảm bảo vai trò chủ đạo của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác khu vực. Điều này có ý nghĩa trong bối cảnh ASEAN đang dần hiện thực hóa mục tiêu hình thành một cộng đồng chung thịnh vượng vào năm 2015./.

Phản hồi

Các tin/bài khác