Không ngừng phát huy vị thế của Việt Nam tại các cơ chế đa phương

(VOV5) - Từ năm 2014, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 3 năm.


Không ngừng phát huy vị thế của Việt Nam tại các cơ chế đa phương - ảnh 1

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.


Trải qua 2/3 chặng đường làm thành viên Hội đồng nhân quyền, Việt Nam đã dần khẳng định hình ảnh, vai trò của mình tại diễn đàn nhân quyền hàng đầu của Liên hợp quốc, từng bước thể hiện vị thế đi lên với sự ghi nhận xứng đáng của bạn bè và cộng đồng quốc tế.

Mặc dù là thành viên lần đầu tiên tham gia Hội đồng nhân quyền nhưng Việt Nam đã thực sự chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Hội đồng nhân quyền, cùng các nước thành viên khác xử lý các thách thức chung của nhân loại trong lĩnh vực quyền con người. 

Thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm

Tại hàng trăm cuộc họp, tham vấn về các chủ đề khác nhau liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, Việt Nam luôn đóng góp ý kiến tích cực vào tất cả các nội dung chương trình nghị sự, từ các nội dung liên quan đến quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển, quyền giáo dục, y tế, cho đến những vấn đề như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việt Nam đã có những đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền theo hướng ủng hộ cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, đáp ứng được quan tâm, lợi ích của nhiều bên, hướng tới đồng thuận. Hàng năm, Việt Nam đều có đoàn tham dự Hội nghị cấp cao thường niên của Hội đồng nhân quyền. Đây là diễn đàn để Việt Nam khẳng định thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam cũng như những đóng góp có trách nhiệm của mình trong việc xử lý các vấn đề nhân quyền trên toàn cầu. Cũng thông qua những hoạt động này, Việt Nam đã lồng ghép được các quan tâm và ưu tiên của mình, chia sẻ các bài học và tranh thủ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực từ các nước và quốc tế cho công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. 

Hình ảnh tích cực của Việt Nam còn được thể hiện thông qua sự nghiêm túc của trong thực hiện cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng nhân quyền. Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam không chỉ ở quá trình rà soát, báo cáo, đối thoại với các nước về tình hình nhân quyền Việt Nam, mà còn ở sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện các cam kết mà Việt Nam chấp nhận. 

Đề cao đối thoại và hợp tác

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Hội đồng Nhân quyền thường xuyên phải xử lý những vấn đề phức tạp và có tính nhạy cảm cao, là thành viên, Việt Nam luôn đề cao quan điểm đối thoại và hợp tác, cùng phấn đấu vì mục tiêu thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên cơ sở trao đổi, tôn trọng lẫn nhau. Hai năm qua, Việt Nam đã vận dụng nhuần nhuyễn các cơ chế khác nhau của Hội đồng nhân quyền để khẳng định quan điểm này. Tham dự tại các phiên họp này, Việt Nam thường xuyên kêu gọi tinh thần đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên trong quá trình xử lý công việc tại Hội đồng nhân quyền. Việt Nam xác định việc bảo đảm quyền con người trước hết là trách nhiệm của từng quốc gia và người dân của mỗi quốc gia sẽ tự quyết định biện pháp bảo đảm quyền con người, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, lịch sử, văn hóa-xã hội của họ. Hội đồng nhân quyền và hệ thống Liên hợp quốc cần kiến tạo một môi trường thuận lợi cho công cuộc đó. Đối thoại và hợp tác cũng đã mở ra cơ hội để Việt Nam xuất hiện và đóng góp ở nhiều nội dung quan tâm của khu vực và các nước đang phát triển, đặc biệt là các nội dung như bảo đảm quyền phát triển, chống bạo lực và phân biệt đối xử, chống buôn bán người, bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... Đến nay, Việt Nam là đồng tác giả của hơn 30 nghị quyết về các nội dung này, góp phần nâng cao nhận thức chung của thế giới về các giá trị quyền con người. 

Phát huy vị thế Việt Nam

Cùng sự tích cực tại các diễn đàn khu vực và quốc tế khác, việc tham gia Hội đồng nhân quyền đã từng bước khẳng định sự trưởng thành của đối ngoại đa phương của Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện hình ảnh, vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc tham gia trách nhiệm, nghiêm túc và tích cực với tinh thần đề cao đối thoại và hợp tác đã củng cố hình ảnh một Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của các nước. Hai năm qua, Việt Nam tạo dựng được quan hệ hợp tác hữu nghị, trao đổi chặt chẽ với tất cả 46 nước thành viên Hội đồng nhân quyền và nhiều nước quan sát viên ở cả 5 khu vực. Trên nhiều vấn đề, Việt Nam được xem là một trong những “cầu nối”, là “tác nhân xúc tác” cho việc thu hẹp bất đồng và nỗ lực tìm kiếm giải pháp cân bằng tại Hội đồng nhân quyền. 

Thứ ba, việc tham gia Hội đồng nhân quyền cũng tạo điều kiện để ta phát huy vị thế tại các diễn đàn quốc tế khác có liên quan đến quyền con người, từ cấp độ khu vực như ASEAN cho đến Ủy ban 3, Đại hội đồng Liên hợp quốc. Việt Nam đã thực sự thể hiện sự trưởng thành trong đối ngoại đa phương, từ chỗ “tham dự” đã thực sự chuyển sang “tham gia”, đóng góp thực chất vào quá trình thảo luận và xây dựng các văn kiện của Liên hợp quốc và quốc tế về quyền con người. Những đóng góp cụ thể của Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền tiếp tục được phản ánh và ghi nhận tại các diễn đàn lớn khác như Hội nghị Cấp cao về Phát triển bền vững hay Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu.

Thứ tư, ngày càng có nhiều nước thừa nhận và đánh giá cao các nỗ lực, thành tựu và bài học kinh nghiệm của Việt Nam về quyền con người nói chung và vai trò của Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền nói riêng. Điều này được thể hiện trong các Tuyên bố chung, thông cáo báo chí nhân các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Việt Nam và của lãnh đạo các nước, mà điển hình nhất là Tuyên bố về Tầm nhìn chung giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Obama. Hàm lượng hợp tác về quyền con người đang dần rõ nét trong quan hệ đối ngoại về quyền con người giữa ta với các nước.

Bên cạnh thực tiễn đáng khích lệ này, chúng ta hiểu rằng việc tham gia Hội đồng nhân quyền vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước. Nhưng cho đến nay có thể khẳng định, việc tham gia Hội đồng nhân quyền là một quyết định đúng đắn. Chúng ta có điều kiện bảo vệ lợi ích đất nước tốt hơn, góp phần thúc đẩy hình ảnh và vị thế đất nước trong công tác đối ngoại nói chung và công tác đối ngoại về quyền con người nói riêng. Phát huy những kết quả đạt được trong 2 năm qua, chúng ta tin tưởng vào thành công trong năm cuối là thành viên của Hội đồng nhân quyền, qua đó khẳng định vị thế mới của một Việt Nam tích cực, trách nhiệm, đang vững bước tiến về phía trước vì cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc của mọi người dân.

Phản hồi

Các tin/bài khác