Không thể đánh tráo khái niệm để biến không thành có

(VOV5) - Theo luật sư Lê Thanh Sơn, hành động đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa Việt Nam là một bước tiếp theo trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, giới luật sư, nhà nghiên cứu luật quốc tế của Việt Nam đã đưa ra nhiều lập luận và chứng cứ pháp lý vạch trần hành vi vi phạm của Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc đang cố tình hiểu sai Công ước luật biển năm 1982, cố tình đánh tráo khái niệm để biến những vùng biển không có tranh chấp thành tranh chấp, dần hiện thực hóa ý đồ độc chiếm biển Đông.

Không thể đánh tráo khái niệm để biến không thành có  - ảnh 1
Luật sư Lê Thanh Sơn

Điều 57 của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định rằng chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển không vượt quá 200 hải lý. Điều 76 của UNCLOS 1982 cũng quy định một trong những cách lựa chọn để xác định chiều rộng của thềm lục địa của một quốc gia ven biển tối thiểu là 200 hải lý. Còn có 3 cách xác định khác, theo UNCLOS 1982, thì đều lớn hơn 200 hải lý. Như vậy, với 4 cách xác định chiều rộng của thềm lục địa, có thể khẳng định giàn khoan Hải Dương-981, đặt ở vị trí chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý, đã hoàn toàn nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bằng chứng vi phạm rõ ràng

Trung Quốc đã có sự vi phạm rõ ràng, xét cả về lịch sử lẫn pháp lý. Trước hết, theo lập luận từ phía Trung Quốc, vị trí đặt giàn khoan thuộc vùng biển Tây Sa của Trung Quốc (Tây Sa là cách gọi mà Trung Quốc dùng để đặt tên cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Nếu xét theo lập luận này thì Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc bằng việc chiếm đóng bất hợp pháp tại Hoàng Sa qua sự kiện sử dụng vũ lực năm 1974. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao Việt Nam, dẫn chứng: Chúng ta đều biết rằng năm 1945, sau thất bại của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, Hiến chương Liên hợp quốc đã ra đời với mục tiêu là để duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới. Trong đó có quy định rằng, hòa bình, giải quyết tranh chấp là một nghĩa vụ bắt buộc với các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên không được đe dọa sử dụng vũ lực và cấm đe dọa sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, với sự kiện 1974, Trung Quốc, khi đó đã là quốc gia thành viên, đã vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc và hành động này không thể thiết lập cho Trung Quốc một chủ quyền hợp pháp tại Hoàng Sa.

Không thể đánh tráo khái niệm để biến không thành có  - ảnh 2
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cộng đồng quốc tế cũng chưa bao giờ thừa nhận chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. Do đó, lập luận này của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Không chỉ vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, đã được quy định rõ ràng trong UNCLOS 1982, từ những diễn biến hiện nay trên thực địa, Trung Quốc còn vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa hòa bình, an ninh trong khu vực. Ngày 5/5 vừa qua, Cục Hải sự Trung Quốc đã ra một thông cáo cấm tàu thuyền qua lại trong phạm vi 3 hải lý tính từ vị trí giàn khoan Hải Dương-981. Chiểu theo UNCLOS 1982, văn bản pháp lý quốc tế cao nhất hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh khẳng định: Bằng việc triển khai nhiều tàu các loại, máy bay tiêm kích, Trung Quốc xâm phạm đến quyền tự do hàng hải, không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Thông tin từ thực địa, khi tàu cảnh sát biển của Việt Nam mới chỉ tiếp cận 7-10 hải lý cách giàn khoan thì đã bị các tàu của Trung Quốc, kể cả tàu quân sự đe dọa và tấn công. Như vậy, hành động này cũng có thể xảy ra với bất kỳ tàu thuyền khác nào đi ngang qua khu vực này. Biển Đông là khu vực giao thương quan trọng trên thế giới, nếu bất cứ tàu thuyền nào đi qua cũng bị ngăn chặn như vậy thì đây là hành vi vi phạm tự do hàng hải, một quyền được ghi nhận trong điều 58 của UNCLOS 1982.

Như vậy, rõ ràng, chiếu theo mọi quy định trong các văn bản pháp lý đang có hiệu lực như Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS 1982, Công ước chống đâm va của Tổ chức an toàn hàng hải quốc tế, cũng như các cam kết giữa ASEAN và Trung Quốc, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của quốc gia láng giềng ven biển.

Đánh tráo khái niệm để biến không thành có

Theo luật sư Lê Thanh Sơn, hành động đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa Việt Nam là một bước tiếp theo trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Bằng việc tuyên bố có tranh chấp, mà bãi cạn Scarborough của Philippines là một ví dụ, Trung Quốc đang cố tình đánh tráo khái niệm, lừa dối công luận để cho rằng đang có sự chồng lấn giữa những vùng đặc quyền kinh tế  với các nước trong khu vực, từ đó hiện thực hóa tham vọng biến đường lưỡi bò thành biên giới lãnh thổ được công nhận trong dài hạn. Luật sư Lê Thanh Sơn khẳng định: Từ chỗ không có tranh chấp, họ biến điều đó thành có tranh chấp. Và khi đã có tranh chấp, họ đưa ra tuyên bố chủ quyền và đó là điều hết sức nguy hiểm. Từ chỗ đánh tráo, họ thổi phồng dư luận để khiến thế giới hiểu vùng đặt giàn khoan của họ là vùng tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam kiên quyết bác bỏ, khẳng định đây không phải là vùng tranh chấp mà là hành vi xâm chiếm.

Việt Nam kiên trì giữ vững chủ quyền quốc gia

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của UNCLOS năm 1982.

Với mong muốn đóng góp tích cực cho hòa bình, phát triển trong khu vực, lấy đại cục trong quan hệ hai nước làm trọng, những ngày qua, Việt Nam vẫn nỗ lực thực hiện phương châm giải quyết hòa bình qua con đường đối thoại. Còn Trung Quốc đã làm gì để “kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác” như tinh thần Thỏa thuận nguyên tắc 6 điểm giải quyết vấn đề Biển Đông được Việt Nam và Trung Quốc ký kết tại Bắc Kinh năm 2011? Câu trả lời đã quá rõ, và dư luận đang trông chờ vào cách hành xử từ phía Trung Quốc./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác