(VOV5) - Đại sứ Mỹ tại Lybia Chris Stevens cùng 3 nhân viên hôm qua đã thiệt mạng trong một vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ. Vụ bạo động này xuất phát từ một bộ phim do một người Mỹ sản xuất được cho là đã xúc phạm nặng nề đạo Hồi và nhà tiên tri Mohamad. Tại Ai Cập, một cuộc biểu tình phản đối bộ phim cũng biến thành bạo lực khi hàng ngàn người biểu tình xé cờ tại sứ quán Mỹ. Đáng chú ý, các vụ bạo động này xảy ra đúng vào thời điểm 11 năm sau ngày xảy ra sự kiện khủng bố 11/9, làm khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và phương Tây với thế giới đạo Hồi, vốn đã rất tồi tệ trong nhiều thập kỷ qua.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt tay Đại sứ Libya Ali Suleiman Aujali, tại Bộ Ngoại giao ở Washington ngày 12/9 (Ảnh: Reuters)
Bộ phim dài 13 phút mang tên “Phiên tòa xét xử Mohamad”, dự kiến được phát sóng nhân kỷ niệm 11 năm cuộc tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ. Ngay lập tức, bộ phim này đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo tại nhiều quốc gia. Tại Ai Cập, khoảng 2 nghìn người đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán ở thủ đô Cairo. Những người biểu tình đã trèo lên tường của Đại sứ quán, xé cờ Mỹ và thay bằng lá cờ Hồi giáo mầu đen. Ông Ahmed Khalil, một lãnh đạo cấp cao của Đảng Salafist Nour đóng vai trò hàng đầu trong cuộc biểu tình cho biết đảng này đã gửi một yêu cầu đến Đại sứ quán Mỹ, đòi Chính phủ Mỹ cấm phát sóng bộ phim và có lời xin lỗi chính thức. Chính phủ kêu gọi người dân Ai Cập kiềm chế nhưng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo quyền lực của nước này thì kiên quyết kêu gọi biểu tình trên khắp đất nước. Còn tại Lybia, mức độ bạo động trầm trọng hơn khi hàng ngàn người phẫn nộ bao vây, đập phá Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi và một số phần tử vũ trang dùng súng phóng lựu tấn công tòa nhà khiến Đại sứ Mỹ tại Lybia cùng 3 nhân viên đã thiệt mạng do ngộ độc khói từ các vụ nổ. Trong một động thái nhằm xoa dịu tình hình, đại sứ quán Mỹ đã lên án “một số cá nhân cố tình gây ra những tổn thương về tín ngưỡng đối với người Hồi giáo”. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công dù “phản đối mọi hành vi xúc phạm tôn giáo” còn EU và NATO kêu gọi Libya nhanh chóng điều tra vụ việc cũng như tăng cường bảo vệ giới ngoại giao các nước. Đáp lại, Chủ tịch Quốc hội Libya Mohamed al-Megaryef gửi lời xin lỗi đến “người dân Mỹ và toàn thế giới”.
Đây không phải là lần đầu tiên việc xúc phạm đấng tiên tri Mohamad là cái cớ để những người Hồi giáo hận thù dùng làm vũ khí thực hiện các hành vi trả đũa. Đối với người Hồi giáo, bất cứ sự khắc họa nào liên quan đến nhà tiên tri Mohamad đều là được xem là sự xúc phạm. Còn nhớ, năm 2010, thế giới đã chứng kiến sự phẫn nộ của những người Hồi giáo khi một vị mục sư Mỹ ở nhà thuộc bang Florida, Mỹ đốt kinh Koran. Những cuộc biểu tình đẫm máu diễn ra sau đó nhằm vào lực lượng Liên hợp quốc và NATO ở Afghanistan làm nhiều người nước ngoài thiệt mạng và làn sóng chống đối Mỹ và phương Tây của người Hồi giáo nổ ra khắp nơi trên thế giới.
Trong nhiều thập kỉ qua, xung đột và đặc biệt là khủng bố đã tạo nên một bức tường ngăn cách Mỹ và thế giới Hồi giáo. Cuộc chiến chống khủng bố được phát động sau sự kiện 11/9/2001 đã làm cho tâm lý chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo ngày càng dâng cao. Hàng loạt quốc gia như Iran, Iraq Syria, Libya, Yemen, bị Mỹ liệt vào diện chứa chấp khủng bố. Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng giờ đây đã lan rộng ra phạm vi toàn cầu và các vụ tấn công khủng bố cũng xảy ra khắp nơi trên thế giới. 11 năm sau sự kiện 11/9, dù tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden, làm suy yếu mạng lưới khủng bố al Qaeda và các giá trị dân chủ bắt đầu được phổ biến trong thế giới Hồi giáo nhờ Mùa xuân Arab nhưng Mỹ đã trở thành mục tiêu khủng bố số 1 của Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Với sự can dự quân sự vào Afghanistan, Iraq, Mỹ vẫn bị xem là luôn tìm cách phá hoại ngầm thế giới Hồi giáo khi nắm được sức mạnh quân sự có khả năng đe dọa và thống trị thế giới Hồi giáo cũng như ủng hộ cho chính phủ độc tài, chuyên quyền trong khu vực, mà Israel, quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ trong thế giới Hồi giáo, là một minh chứng. Sự giận dữ đối với người Mỹ cũng biến thế giới Hồi giáo trở thành môi trường thuận lợi giúp các nhóm khủng bố hoạt động mạnh hơn.
Không thể phủ nhận, kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng tháng 1/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần bày tỏ thiện chí của mình trong việc tìm kiếm cây cầu hòa bình với thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, những nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo của ông Barack Obama chưa đạt nhiều kết quả. Bởi ngay bản thân trong lòng nước Mỹ còn bị chia rẽ bởi vấn đề này và những hệ lụy từ chính sách của người tiền nhiệm.
Rõ ràng, một sơ suất nhỏ cũng có thể châm ngòi cho những mâu thuẫn lớn một khi đã có sự hận thù dai dẳng trong quá khứ và thiếu hụt lòng tin, làm sụp đổ mọi nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với thế giới đạo Hồi. Để tiến tới hòa giải với thế giới Hồi giáo, Tổng thống Barack Obama nói riêng và nước Mỹ nói chung còn phải đi một quãng đường khá dài, đầy thử thách về lòng tin, sự nỗ lực, tính kiên trì và sự cảm thông. Tổng thống Obama cần phải làm nhiều hơn những gì ông đã cam kết và thực hiện. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không dễ dàng khi mà cuộc bầu cử Tổng thống mới đang đến gần, đặt ông Obama đứng trước nhiều sức ép./.